'Họ tự đẩy mình vào đường cùng' - Tiếng kêu than của thương nhân trước cuộc chiến giảm giá của Trung Quốc: Công ty chấp nhận thua lỗ, là 'xác sống' vẫn cố hoạt động

Vũ Anh | 14:23 22/07/2025

Các công ty tranh nhau hạ giá thành, thậm chí chịu đựng biên lợi nhuận mỏng manh, thua lỗ vì vòng xoáy giảm giá tại đại lục.

'Họ tự đẩy mình vào đường cùng' - Tiếng kêu than của thương nhân trước cuộc chiến giảm giá của Trung Quốc: Công ty chấp nhận thua lỗ, là 'xác sống' vẫn cố hoạt động

Đây là vòng tuần hoàn trong thế giới kinh doanh của Trung Quốc.

Một công nghệ hoặc sản phẩm đầy hứa hẹn xuất hiện. Hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà sản xuất ồ ạt cùng nhảy vào lĩnh vực non trẻ, tăng cường sản xuất và ghìm giá. Thị trường chung càng phát triển, cạnh tranh càng trở nên khốc liệt. Các công ty tranh nhau hạ giá thành, thậm chí chịu đựng biên lợi nhuận mỏng manh, thua lỗ.

Góp phần vào bầu không khí cạnh tranh, chính quyền địa phương Trung Quốc, mỗi nơi đều có mục tiêu riêng về tăng trưởng kinh tế và việc làm, lại tích cực hỗ trợ cả tài chính lẫn hành chính. Chẳng mấy chốc, toàn bộ ngành công nghiệp, vốn đang tràn ngập năng lực sản xuất, bị mắc kẹt trong cuộc đua sinh tồn.

Theo The New York Times, Trung Quốc đang cố gắng kiềm chế “sự thoái hóa”, một cụm từ được sử dụng rộng rãi để mô tả chu kỳ tự chuốc lấy thất bại của cạnh tranh quá mức và giảm phát. Tại một cuộc họp chính sách kinh tế cấp cao trong tháng này, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết thực hiện các biện pháp rấn áp “giá rẻ và cạnh tranh không lành mạnh”, đồng thời xóa bỏ năng lực công nghiệp lạc hậu. Ông tự hỏi, liệu mọi tỉnh thành có cần phải gấp rút phát triển các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo hay ô tô điện không.

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề nhập siêu đang được thổi bùng trở lại khi các biện pháp thuế quan của Tổng thốngTrump làm giảm xuất khẩu sang Mỹ. Các quốc gia khác cũng lo ngại về làn sóng hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn vào thị trường. Những hàng hóa ế ẩm này, cùng với nền kinh tế trong nước vốn đang chậm lại, đã làm gia tăng cạnh tranh, dẫn đến vòng xoáy giảm phát.

Chỉ số giảm phát tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, một thước đo giá cả chung của toàn bộ nền kinh tế, đã giảm trong tám quý liên tiếp - mức giảm dài nhất được ghi nhận. Vào tháng 6, Chỉ số Giá Sản xuất (PPI) của nước này, thước đo giá hàng hóa xuất xưởng, cũng giảm mạnh nhất trong gần hai năm. Trung Quốc đã cam kết tăng cường quản lý các công ty đang hạ giá và hạn chế trợ cấp, ưu đãi từ chính quyền địa phương - thứ vốn hỗ trợ các công ty “xác sống” duy trì hoạt động.

Cạnh tranh khốc liệt và tình trạng dư thừa công suất đã gây khó khăn cho các ngành công nghiệp như thép và xi măng. Những lĩnh vực mới, phát triển nhanh như tấm pin mặt trời và xe điện cũng nhanh chóng trở thành cuộc đua xuống đáy. Điều này đã tạo ra một động lực bất thường: các công ty Trung Quốc cùng nhau thống trị thị phần trong một ngành, nhưng các công ty riêng lẻ lại chật vật kiếm lợi nhuận ổn định.

anh-man-hinh-2025-07-22-luc-14.45.53.png

Sau khi BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, giảm giá gần hai mươi mẫu xe điện và xe hybrid vào tháng 5, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, một nhóm công nghiệp liên kết với chính phủ, đã chỉ trích hãng này và cảnh báo về những nguy cơ của cuộc chiến giá cả. Zhang Kai, nhân viên bán hàng của Xpeng Motors, một trong những nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, cho biết áp lực giá sẽ vẫn tiếp diễn do chi tiêu tiêu dùng chậm chạp và tình trạng dư thừa công suất trong ngành. Các nhà sản xuất không còn lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì mức giá ưu đãi cho xe điện, ngay cả khi ưu đãi cho người mua kết thúc.

Để hiểu được những thách thức của cạnh tranh quá mức, hãy nhìn vào tỉnh Hà Bắc ở miền bắc Trung Quốc. Hà Bắc, một vùng nổi tiếng với ngành khai khoáng, công nghiệp nặng và nông nghiệp, nổi tiếng với môi trường cạnh tranh khốc liệt. Một tờ báo thậm chí đã gọi các thương gia trong vùng là “đồ tể giá cả”.

Tại một khu công nghiệp ở Hà Bắc, hơn 100 nhà sản xuất hàng may mặc hoạt động thành từng dãy cửa hàng gần như giống hệt nhau, bán những bộ quần áo cũng gần như giống nhau đến mức đáng sợ. Khu phức hợp này phục vụ những khách hàng quan tâm đến việc tìm kiếm nhà máy sản xuất hàng loạt áo phông, áo nỉ và các loại trang phục ngoài trời khác.

Khu thương mại được chính quyền huyện Túc Ninh thành lập khoảng một thập kỷ trước, sau khi các nhà sản xuất hàng may mặc bắt đầu xây dựng nhà máy trên đất nông nghiệp ở Hà Bắc để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về quần áo giá rẻ từ người mua sắm trực tuyến. Vào một ngày hè gần đây, một nhóm khách hàng chen chúc từ cửa hàng này sang cửa hàng khác, ngắm nghía những chiếc áo phông và áo nỉ đủ màu sắc và kiểu dáng.

Tỉnh này đang mở một khu công nghiệp thậm chí còn lớn hơn nằm cạnh khu công nghiệp hiện hữu. Theo truyền thông nhà nước, khu công nghiệp này sẽ có không gian trưng bày rộng hơn, khu vực lưu trữ và các dịch vụ thương mại điện tử.

anh-man-hinh-2025-07-22-luc-14.45.47.png

Tuy nhiên hiện tại, khu công nghiệp gần như bị bỏ hoang. Nhiều cửa hàng đã đóng cửa. Bàn ghế bị đẩy vào góc tường. Thức ăn thừa vương vãi trên sàn.

Zhang Cuihua là một trong những nhà sản xuất áo phông nhỏ làm việc tại khu phức hợp. Cô cho biết mỗi năm cô sản xuất khoảng một triệu chiếc áo cho các nhà bán buôn trên khắp Trung Quốc. Kể từ năm 2024, cạnh tranh ngày càng gay gắt đến mức doanh nghiệp của cô liên tục thua lỗ.

“Sự thoái trào này thật không thể chịu đựng nổi — mọi người đang tự đẩy mình đến bờ vực diệt vong”, cô Zhang, 37 tuổi, nói. “Môi trường thị trường nói chung rất kém, doanh số trì trệ và năng lực sản xuất bị quá tải”.

Chia sẻ với The New York Times, Zhag cho biết khách hàng liên tục yêu cầu cô giảm giá dù mặt hàng này đã được chiết khấu 60%. Một số đối thủ cạnh tranh sẵn sàng bán lỗ để chuyển hàng tồn kho thành tiền mặt.

Theo lời một nhà sản xuất áo phông ở Quảng Đông, Đông Nam Trung Quốc, các đối thủ cạnh tranh sẵn sàng cạnh tranh không ngừng nghỉ, đặc biệt là khi nhiều nền tảng thương mại điện tử thống trị của Trung Quốc đang giảm giá. Nhiều nhà máy ở Hà Bắc tham gia vào cuộc đua xuống đáy vì chính quyền địa phương khuyến khích đầu tư liên tục. Vay vốn ngân hàng ở đây dễ hơn so với các nơi khác trong cả nước.

“Mục tiêu chính là sống sót”, ông nói. “Họ sẽ ngoan cố bám trụ”.

Các thương gia cho biết hoạt động kinh doanh đã bùng nổ trong thời kỳ đại dịch khi mọi người chi tiêu mạnh tay cho các hoạt động giải trí ngoài trời, nhưng nhu cầu đã giảm mạnh kể từ đó. Nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái cũng không giúp ích gì. Người dân đang thắt chặt chi tiêu.

Sun Yunna, một nhà sản xuất cần câu, cho biết hoạt động kinh doanh đã sụt giảm nghiêm trọng trong năm qua. Cần câu vốn được bán với giá 12 USD trên các nền tảng thương mại điện tử giờ chỉ còn 9 USD. Trước đây mỗi cần câu kiếm được 4 USD lợi nhuận, nhưng giờ chỉ còn 1,5 USD.

Theo: The New York Times


(0) Bình luận
'Họ tự đẩy mình vào đường cùng' - Tiếng kêu than của thương nhân trước cuộc chiến giảm giá của Trung Quốc: Công ty chấp nhận thua lỗ, là 'xác sống' vẫn cố hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO