Kể từ ngày 1/3/2023, người dân đã có thể đăng ký để được cấp hộ chiếu gắn chip, tuy nhiên, thay vì dừng cấp loại hộ chiếu thông thường, các Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh vẫn cấp song song 2 loại hộ chiếu này khiến nhiều người dân bối rối.
Vậy hộ chiếu gắn chip và hộ chiếu thường có điểm gì khác nhau?
Thiết kế có gì khác?
Khi so sánh với mẫu hộ chiếu với bìa màu tím than được Bộ Công an phát hành lần đầu vào ngày 1/7/2022, hộ chiếu gắn chip không có nhiều điểm khác biệt ngoài biểu tượng con chip điện tử được đặt ở mặt ngoài của bìa hộ chiếu (như hình ảnh bên dưới).
Điểm khác biệt thứ 2 nằm ở trang đầu tiên, với loại hộ chiếu mới không gắn chip sẽ có số hộ chiếu bắt đầu bằng chữ P và 8 chữ số. Trong khi đó, trên cuốn hộ chiếu gắn chip sẽ bắt đầu chữ E (có thể là viết tắt của E-Passport).
Các trang còn lại của hộ chiếu thường mẫu mới và hộ chiếu gắn chip cơ bản giống nhau với hình ảnh các danh lam thắng cảnh của Việt Nam như Tràng An (Ninh Bình), Khuê Văn Các (Hà Nội), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Kinh thành Huế, Phố cổ Hội An…và nhiều địa danh khác, được in chìm trên từng trang.
Ngoài ra, tất cả những nội dung, hình ảnh trên cả 2 mẫu hộ chiếu đều được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế - ICAO.
Tính năng nổi bật
Ngoài là giấy tờ tùy thân để công dân Việt Nam có thể xuất nhập cảnh sang các nước khác, loại hộ chiếu thông thường không có nhiều điểm nổi bật.
Trong khi đó, hộ chiếu gắn chip sẽ được tích hợp một chip điện tử ở bìa sau, trong chip có lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu, bao gồm:
- Các thông tin cá nhân cơ bản như họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, số hộ chiếu, thời hạn sử dụng hộ chiếu…
- Các thông tin sinh trắc học của người mang hộ chiếu như như vân tay, mống mắt, khuôn mặt, nhóm máu…
Các thông tin kể trên sẽ hỗ trợ các nhân viên kiểm soát công tác xuất nhập cảnh nhanh chóng xác nhận được thông tin của hành khách khi làm thủ tục.
Những lợi ích khác biệt của hộ chiếu gắn chip:
Thứ nhất, vì lưu trữ đầy đủ được thông tin của công dân một cách chính xác và thống nhất nên tốc độ làm thủ tục xuất nhập cảnh tại các nước đối hộ chiếu gắn chip sẽ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Đặc biệt, người có hộ chiếu gắn chip có thể làm thủ tục xuất nhập cảnh tự động ở nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới. Tại Việt Nam, ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất cũng đang thử nghiệp việc xuất nhập cảnh tự động với hộ chiếu gắn chip.
Với loại hộ chiếu thông thường, các nhân viên làm thủ tục xuất nhập cảnh sẽ phải đọc và kiểm tra một cách thủ công, làm kéo dài thời gian xác thực nhân thân của người muốn xuất/nhập cảnh.
Kế đến, người được cấp hộ chiếu gắn chip điện tử sẽ được phía nước ngoài ưu tiên khi xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh.
Hiện nay, có trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang sử dụng hộ chiếu điện tử, do khả năng lưu trữ được nhiều thông tin theo định dạng thống nhất. Chính nhờ ưu điểm này, người mang hộ chiếu điện tử thường được các quốc gia ưu tiên cho phép xuất nhập cảnh dễ dàng hơn.
Ví dụ như trong chương trình miễn thị thực nhập cảnh của Mỹ, công dân của 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trong diện được miễn sẽ chỉ được miễn thị thực khi sở hữu hộ chiếu gắn chip.
Thứ ba, hộ chiếu gắn chip điện tử có tính bảo mật thông tin cao, vì thông tin nhân thân của người mang hộ chiếu sẽ được mã hoá trong chip và rất khó để sao chép.
Chính vì vậy, hộ chiếu điện tử có tính bảo mật hơn hộ chiếu giấy thông thường, bảo vệ người mang hộ chiếu trước nguy cơ bị kẻ xấu đánh cắp thông tin cá nhân và sử dụng vào các mục đích trái pháp luật.
Với những khác biệt kể trên, người dân nên cấp đổi hộ chiếu gắn chip ngay. Hiện nay các bạn đã có thể xin cấp đổi hộ chiếu online cực kỳ đơn giản, nhận hộ chiếu chỉ trong vòng 7 - 10 ngày.