Trước khi, các dự án bất động sản đều có chiết khấu cho người mua nhà, nhưng thông thường chỉ ở mức 5 - 10%. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường bất động sản đang xuất hiện hiện tượng “lạ” khi nhiều chủ đầu tư mạnh tay chiết khấu lên đến 50%, gấp 5-10 lần so với các năm trước.
Đơn cử, một dự án ở TP. Thủ Đức mạnh tay chiết khấu tổng 40% khi người mua thanh toán vượt tiến độ đến 98%. Đồng nghĩa, nếu mua một căn hộ khoảng 70m2 với giá gốc là hơn 4,7 tỷ đồng thì người mua chỉ cần trả 2,9 tỷ đồng.
Hay một dự án tại Linh Đàm (Hà Nội), tổng chiết khấu có thể lên tới 34 - 35% khi người mua thanh toán vượt tiến độ 95% giá trị căn hộ. Hiện tại, giá căn hộ tại dự án này đang dao động từ 33 - 47 triệu đồng. Nếu áp hết ưu đãi, giá chỉ còn khoảng từ 2,4 tỷ đồng cho một căn hộ có 2 phòng ngủ.
Chưa hết, một số dự án được cho là đại đô thị với quy mô lên đến 1.000ha ở khu vực Đồng Nai cũng vừa công bố chính sách chiết khấu lên tới 51% giá trị sản phẩm thấp tầng nếu khách hàng có sẵn tiền mặt thanh toán trước toàn bộ.
Không chỉ chiết khấu trực tiếp vào sản phẩm, nhiều chủ đầu tư đang đua nhau đưa ra chính sách cam kết mua lại hấp dẫn. Theo đó, một dự án lớn quy mô tại Hưng Yên được chủ đầu tư cam kết mua lại với mức lãi lên đến gần 40% sau 5 năm đối với các sản phẩm thấp tầng. Nhiều căn hộ chung cư cũng được các chủ đầu tư thi nhau cam kết mua lại với tỷ suất lợi nhuận cao vượt trội.
Thực tế, việc các chủ đầu tư chiết khấu, ưu đãi cho khách hàng mua nhà không phải mới. Tuy nhiên, chưa bao giờ thị trường bất động sản xuất hiện những mức ưu đãi "khủng" như hiện nay.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng khuyến mại, chiết khấu sâu là cách các chủ đầu tư dự án đang xoay sở dòng tiền trong bối cảnh tín dụng và trái phiếu bất động sản đang bị siết chặt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc huy động vốn này không dễ. Minh chứng là thanh khoản thị trường bất động sản đang xuống thấp.
Theo số liệu từ Savills, trong quý III/2022 lượng giao dịch chung cư trong quý tại Hà Nội chỉ đạt 3.605 căn, tăng 61% theo quý và 49% theo năm. Song, giao dịch căn hộ hạng B chiếm 64% thị phần, tỷ lệ hấp thụ của các dự án mới mở bán chỉ đạt 33%. Tại phân khúc biệt thự, liền kề, trong quý III, thanh khoản trên thị trường Hà Nội cũng chỉ có 299 căn bán được.
Tương tự, tại TP. HCM, dữ liệu mới nhất từ Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, lượng căn hộ bán ra trên thị trường sơ cấp trong quý III đã giảm đến 54% so với quý II, chỉ khoảng 4.150 căn. Bất động sản liền thổ cũng không khả quan hơn khi chỉ ghi nhận 272 căn được giao dịch.
Nói về vấn đề này, đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trong quý vừa qua, lực cầu chủ yếu tới từ nhu cầu thực, còn các nhu cầu đầu tư đã dè dặt hơn vì yếu giá cả. Theo đó, thanh khoản sụt giảm so với giai đoạn trước và biến động giá bất động sản trong quý III cũng đã có dấu hiệu chững lại. Nhằm kích cầu thanh khoản, các chủ đầu tư đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi, tặng quà, chiết khấu,...
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA), các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, nhất là khi Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Ông Châu cho rằng, các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhà đầu tư và người mua nhà đều mong muốn tiếp tục được vay tín dụng dù phải chịu lãi suất vay cao hơn trước để thực hiện hợp đồng, hoặc có vốn triển khai thực hiện dự án, trong lúc nguồn trái phiếu và huy động vốn từ khách hàng đang gặp khó khăn.
“Có thể là từ nay đến năm 2023, một số doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn trái phiếu nhưng chưa thể đáp ứng được ngay các quy định bổ sung nên khó hội đủ điều kiện để được phép phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường. Do vậy, các doanh nghiệp bất động sản sẽ rơi vào tình trạng khát nguồn vốn. Theo đó, việc đẩy nhanh bán hàng bằng các chính sách đột phá cũng là điều dễ hiểu”, ông Châu nói.