Hà Nội: Cải tạo chung cư cũ - “chuyện cũ vẫn nóng”

Lê Sáng | 23:29 24/10/2022

Sau hàng thập kỷ “hô hào” nhưng mới chỉ cải tạo được vỏn vẹn khoảng 1% nhà chung cư cũ xuống cấp thì mới đây thành phố Hà Nội lại dự chi đến 128 tỷ đồng chỉ để kiểm định chung cư cũ.

Hà Nội: Cải tạo chung cư cũ - “chuyện cũ vẫn nóng”
Nhà chung cư cũ A Ngọc Khánh đã xuống cấp nhiều năm, dù nằm trong danh sách phải di dời để xây dựng lại nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của người dân trong phương án phá dỡ, xây dựng lại. Ảnh: Lê Sáng

Thực trạng đáng báo động

Câu chuyện cải tạo các chung cư cũ, xuống cấp tại Hà Nội là câu chuyện không hề mới mới nếu không muốn nói là đã cũ khi từ cách đây gần 2 thập kỷ, vào khoảng đầu những năm 2000 thành phố đã có chủ trương cải tạo một số khu tập thể cũ xuống cấp. Tuy nhiên, đến nay, đây vẫn là một vấn đề nóng khi trải qua nhiều nhiệm kỳ với không ít “ban chỉ đạo” được lập ra nhưng kết quả đạt được vẫn hết sức khiêm tốn.

Thống kê của các đơn vị chức năng cho thấy trên địa bàn trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1.579 chung cư cũ (bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ) chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và từ năm 1960-1994 tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử.

Thực tế cho thấy, đa phần số nhà chung cư cũ tại Hà Nội đều đang trong tình trạng xuống cấp do thời gian và hiện tượng người dân tự cơi nới, chuyển đổi công năng. Cá biệt, có một số nhà chung cư cũ thuộc diện báo động về xuống cấp, tức được xếp hạng D (nguy hiểm cần phá dỡ) nhiều năm như A7 Tân Mai, G5 Giảng Võ, A Ngọc Khánh,… nhưng việc phá dỡ, cải tạo vẫn dậm chân tại chỗ.

Theo tính toán của TSKH. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, thì sau gần 20 năm thực hiện chủ trương cải tạo chung cư cũ, Hà Nội mới chỉ thực hiện được khoảng 1% khối lượng.

“Chủ trương đã có, quyết tâm đã lên nhưng hiệu quả chưa đạt thì rõ ràng cơ chế về cải tạo chung cư cũ đang có vấn đề, một khi cơ chế chưa thông thì cũng như việc tư tưởng chưa thông “vác bình tông” cũng thấy nặng”, TSKH. Đào Ngọc Nghiêm đặt vấn đề so sánh.

Vấn đề đặt ra

Trong bối cảnh công tác cải tạo chung cư cũ hết sức ì ạch trong thời gian dài thì việc mới đây Hà Nội duyệt chi gần 128 tỷ đồng kiểm định lại chung cư cũ hay số tiền 500 tỷ đồng cũng để kiểm định chung cư cũ mà “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội” từng đưa ra vào năm 2021 được nhiều chuyên gia và người dân đặt vấn đề liệu có cần thiết.

kqkd-chung-cu-cu.png
Dù đã có kết quả kiểm định nhiều năm nhưng đến nay việc cải tạo chung cư cũ nhà A Ngọc Khánh vẫn "dậm chận tại chỗ". Ảnh Lê Sáng

Thực tế cho thấy, một trong những mục tiêu trọng tâm của Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 vừa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 5019/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 là đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả của công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.

Cụ thể, theo Quyết định nói trên, các kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội dự kiến sẽ được chia 04 đợt.

Trong đó, đợt 1 sẽ lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021-2025 gồm: 06 khu có tính khả thi (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng; Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân) và 04 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp). Công tác trên được tiến hành đồng thời với việc đôn đốc 14 dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư đang triển khai. Xem xét triển khai Đề án, dự án quy gom tái định cư các chung cư cũ đơn lẻ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Với các chung cư cũ còn lại (Đợt 2, Đợt 3 và Đợt 4) triển khai thực hiện theo kế hoạch trong những năm tiếp theo, đồng thời khuyến khích khu chung cư, nhà chung cư cũ nào hoàn thành kiểm định và quy hoạch thì tổ chức lựa chọn chủ đầu tư triển khai trước.

Như vậy, có thể nói, hiện tại Hà Nội đã xác định rõ được một số nhà chung cư cũ xuống cấp cần tập trung cải tạo ngay nhằm tạo điểm nhấn và tiền đề cho cả công tác này trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc chi quá nhiều kinh phí cho việc kiểm định hàng loạt các chung cư khác trong khi việc cải tạo các chung cư xuống cấp đã rõ “tên tuổi” vẫn chưa thực hiện được đang khiến người dân và không ít chuyên gia đặt vấn đề về tính cần thiết và hiệu quả.

Bình luận về vấn đề trên, theo TSKH. Đào Ngọc Nghiêm, trong câu chuyện cải tạo chung cư cũ trên cả nước nói chung và tại Hà Nội nói riêng cần sớm có một nghiên cứu tổng kết những tồn tại, vướng mắc từ thực tiễn nhằm đưa ra được cơ chế khả thi thống nhất từ cấp cao nhất là Chính phủ đến các địa phướng, thậm chí là phải sửa luật nếu cần bởi nếu với những cơ chế như hiện nay, càng làm sẽ càng tắc, có kiểm định xong cũng sẽ lại vướng khi cải tạo.

Xuất phát từ thực trạng trên, MarketTimes sẽ khởi đăng chuyên đề “Cải tạo chung cư cư cũ - “chuyện cũ vẫn nóng” nhằm chuyển tải một số vấn đề về lý luận và thực tiễn, những bài học kinh nghiệm quốc tế cũng như đề xuất cơ chế chính sách liên quan đến công tác cải tạo chung cư cũ của các chuyên gia và học giả đầu ngành tại Việt Nam hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Hà Nội: Cải tạo chung cư cũ - “chuyện cũ vẫn nóng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO