Người dân Trung Quốc không còn “mặn mà” du lịch nước ngoài
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), các quốc gia Đông Nam Á có xu hướng “trông chờ” vào các đoàn du khách Trung Quốc có thể giúp họ thúc đẩy doanh thu du lịch, đồng thời hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trên thực tế, người dân Trung Quốc đã và đang hạn chế việc đi du lịch nước ngoài do nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế. Theo thống kê, số lượng khách du lịch Trung Quốc đến 5 quốc gia Đông Nam Á vào tháng 5/2023 chỉ nằm trong khoảng từ 14%-39% so với năm 2019.
Số liệu này cho thấy hành trình phục hồi kinh tế của khu vực Đông Nam Á trong năm nay sẽ có phần ảm đạm, khi triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn cũng như đà tăng trưởng có phần trầm lắng của Trung Quốc.
Thái Lan là một trong những nền kinh tế Đông Nam Á phụ thuộc nhiều nhất vào ngành du lịch. Nước này cũng đang được hưởng lợi lớn khi nhu cầu phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, trong năm nay, số lượt khách Trung Quốc đến thăm Thái Lan dự kiến sẽ thấp hơn ít nhất 2 triệu người so với mục tiêu chính thức là 7 triệu.
Bali là một trong những địa điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng - chiếm lượng lớn trong tổng số du khách nước ngoài đến Indonesia. Tuy nhiên, theo công ty chứng khoán PT Bahana Sekuritas, khu vực này đang chứng kiến tình trạng nhu cầu dành cho các khách sạn hạng sang giảm đáng kể trong 5 tháng đầu năm, trong bối cảnh lượng khách du lịch từ Trung Quốc giảm mạnh.
Hay ngay cả Singapore - quốc gia cho rằng sự bùng nổ về du lịch có thể giúp họ tránh được suy thoái kinh tế trong năm nay - cũng đã nhận lại những con số không mấy khả quan.
Theo dữ liệu từ hội đồng du lịch thành phố, trong 5 tháng đầu năm, số du khách Trung Quốc đến Singapore đạt tổng cộng 310.901 người, thấp hơn nhiều so với mốc 1,55 triệu người vào cùng kỳ năm 2019.
Tờ SCMP nhận định, Đông Nam Á không phải khu vực duy nhất ghi nhận lượng du khách Trung Quốc giảm đáng kể. Được biết, Nhật Bản cũng đón lượng khách Trung Quốc thấp hơn so với những năm trước đại dịch. Tuy nhiên, nước này cũng đang chứng kiến một nhóm người mua sắm mới thay thế các khách hàng vốn tiềm năng đến từ đất nước tỷ dân.
Gần đây, gã khổng lồ bán lẻ nổi tiếng Takashimaya đến từ Nhật Bản cho biết trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 5, 70% tổng doanh thu từ khách du lịch của họ hầu hết đến từ du khách không phải người Trung Quốc. Con số này cao hơn nhiều so với mức 20% trước đại dịch.
Lực cản "ngáng đường"?
Xu hướng đó có thể là gợi ý giúp các quốc gia Đông Nam Á đa dạng hóa thị trường và chấm dứt sự phụ thuộc vào những du khách đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông Qiu, một nhân viên của Công ty Du lịch Quốc tế GZTC có trụ sở tại Quảng Châu, cho biết lượng đặt tour du lịch mùa hè của người Trung Quốc tới các điểm đến Đông Nam Á không có mấy cải thiện so với nửa đầu năm nay.
Ngay cả những địa điểm vốn phổ biến như Singapore hay Malaysia cũng chỉ đạt được mức bằng khoảng 30% thời trước đại dịch. Thậm chí, những nước khác như Thái Lan, nhu cầu cũng chỉ bằng 10%, ông cho biết thêm.
Ngoài ra, theo SCMP, một lực cản khác đang “ngáng đường” cho sự phục hồi của ngành du lịch là việc sức chứa chuyến bay tăng không đáng kể.
Dữ liệu của công ty phân tích hàng không Cirium cho thấy sức chứa của các chuyến bay giữa Trung Quốc và Đông Nam Á đang được cải thiện, nhưng hầu hết các tuyến vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch, riêng Singapore là ngoại lệ.
Theo nhà kinh tế Eric Zhu của Bloomberg Intelligence, việc thiếu hụt các đoàn khách du lịch là một trong những yếu tố khiến ngành du lịch phục hồi chậm.
Trong quý I/2023, chỉ khoảng 1,6% khách đoàn của Trung Quốc ra nước ngoài - giảm nhiều so với mức 30% cùng kỳ năm 2019, theo dữ liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nước cùng một số chuyên gia trong ngành vẫn lạc quan cho rằng lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ tăng lên trong nửa cuối năm nay. Người phát ngôn của Hội đồng Du lịch Singapore cho biết dù số liệu hiện tại vẫn ở mức khiêm tốn, nước này vẫn mong muốn khách Trung Quốc sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.
Selena Ling, nhà kinh tế trưởng tại Oversea-Chinese Banking Co. nói: “Tôi hy vọng số lượng du khách Trung Quốc sẽ cải thiện vào nửa cuối năm 2023”.
Tham khảo SCMP