Hiện thực hóa chính sách - chìa khóa phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Lê Sáng thực hiện | 09:35 19/12/2022

"Chìa khóa quan trọng nhất để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là cần sớm hoàn thiện cũng như hiện thực hóa các cơ chế, chính sách liên quan", Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) chia sẻ với MarketTimes.

Hiện thực hóa chính sách - chìa khóa phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
Nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn chưa tiếp cận được những chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Ông Nguyễn Vân cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp lại chưa tiếp cận được.

PV: Công nghiệp hỗ trợ được xem là “chìa khóa” để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, vậy hệ thống cơ chế chính sách liên quan đến ngành nay hiện ra sao thưa ông?

Ông Nguyên Vân: Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được Đảng và Nhà nước quan tâm lớn bởi vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong hơn 10 năm qua, nhiều chính sách về CNHT được ban hành như Nghị định 111/2015; Nghị quyết 115/2020 về các giải pháp thúc đẩy CNHT; Thông tư 55/2015; Thông tư 19/2021 của Bộ Công thương: Thông tư 01/2016 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.

anh-nguyen-van.jpg
Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA)

Nhìn chung các cơ chế, chính sách đều đã xác định rõ mục tiêu muốn nội lực sản xuất vững mạnh, muốn kinh tế tự lực tự cường thì lĩnh vực CNHT phải phát triển. Cùng đó, việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu là xu thế tất yếu, qua đó, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần tận dụng được hiệu ứng lan tỏa của làn sóng dịch chuyển của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Mới đây nhất, Nghị quyết 29/NQ-TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, hội nghị lần thứ sáu ban hành ngày 17/11/2022 đã nhận định CNHT của Việt Nam còn chậm phát triển. Thời gian tới, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá cần có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, cần ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát triển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn và CNHT...

PV: Vậy ngành CNHT của Thủ đô hiện đang ở đâu thưa ông?

Ông Nguyễn Vân: Những năm qua, dưới sự chỉ đạo, định hướng của các cấp ngành Trung ương, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ đồng hành từ tổ chức Hội, hiệp hội. Các doanh nghiệp ngành CNHT nỗ lực vượt qua khó khăn, thích ứng và duy trì các hoạt động đầu tư, sản xuất kịnh doanh.

Đơn cử như các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội doanh nghiệp ngành CNHT thành phố Hà Nội (HANSIBA), với những Công ty đã có các sản phẩm cơ khí chế tạo, điện-điện tử, dệt may, nhựa, CNHT cho công nghệ cao như TOMECO, PMTT Group, HIKARI P&T, INDEMA, Ốc vít Brother, Trí Cường, Cơ Khí Hà Nội CNC, phụ liệu may Hà Thanh Bắc HT… đã duy trì được sự tăng trưởng, thực hiện có hiệu quả các đơn hàng cung ứng sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp CNHT cũng đã tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác dựng xây các dự án mới trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm CNHT và công nghệ cao với nhiều đối tác FDI đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, EU.. ngay tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP), được Tập đoàn N&G đầu tư, phát triển với những dự án có tổng mức đầu tư lên tới hàng chục triệu USD, đóng góp vào bức tranh tăng trưởng kinh tế của Thủ đô cùng Đất nước.

PV: Dù đã đạt những kết quả rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự phát triển của ngành CNHT vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Nguyễn Vân: Đúng là dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm với những chính sách khuyên khích, hỗ trợ tuy nhiên các chính sách này đôi lúc vẫn chưa đi vào thực tế đời sống doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Tính đến nay, cả nước đã có 5.000 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT nhưng số các doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận ưu đãi cho sản phẩm, dự án CNHT. Tuy nhiên, theo thống kê, mới chỉ có 160, trong đó, đa phần là doanh nghiệp FDI được chứng nhận, hầu hết chưa thụ hưởng các ưu đãi. Các doanh nghiệp vẫn gặp khó về tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai hay công nghệ.

PV: Vậy theo ông, để tận dụng những lợi thế và tiềm năng vốn có nhằm phát triển ngành CNHT thì đâu giải pháp là gì?

Ông Nguyễn Vân: Năm 2023 với việc làn sóng đầu tư FDI tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á, dự báo dư địa phát triển ngành CNHT sẽ còn rất nhiều. Hàng trăm tỷ USD được thống kê trong kim ngạch xuất nhập khẩu ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại Việt Nam đã cho thấy sức hấp dẫn của lĩnh vực này.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa được cơ hội thì cần có giải pháp đồng bộ để đưa những chính sách ưu đãi đã có, cần phải được tiếp tục nghiên cứu, sớm ban hành cho lĩnh vực công nghiệp, CNHT đi vào cuộc sống, hơi thở của doanh nghiệp lĩnh vực này.

Đặc biệt là Nhà nước cần sớm ban hành Luật phát triển công nghiệp và các văn bản thực thi dưới Luật, trong đó nêu rõ các ưu đãi cụ thể, để khuyến khích phát triển ngành CNHT, là “kim chỉ nam” để các cấp ngành chung tay thể chế hóa, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có định hướng, động lực và nhìn ra lợi ích thiết thực để chung tay phát triển, đẩy mạnh nhiệm vụ công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Xin cảm ơn ông!


(0) Bình luận
Hiện thực hóa chính sách - chìa khóa phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO