Hết thời "lướt sóng", đất đấu giá ế ẩm?

Minh Tâm | 15:43 22/10/2022

Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, theo đó, đất đấu giá cũng đang mất đi sức hút so với trước kia, không ít người dù trúng cũng chấp nhận bỏ cọc vì “lướt sóng” không thành.

Hết thời "lướt sóng", đất đấu giá ế ẩm?

Giai đoạn 2020 - 2021, các phiên đấu giá đất ở nhiều địa phương liên tục thu hút được lượng lớn nhà đầu tư tham gia. Theo đó, mức giá trúng đều gấp nhiều lần so với khởi điểm. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đất đấu giá cũng đang mất dần sức hút so với trước, thậm chí một số nơi có hiện tượng ế ẩm.

Mới đây, tại Bắc Giang, kết thúc phiên đấu giá quyền sử dụng 118 thửa đất ở thuộc khu dân cư tại các xã Quang Châu, Việt Tiến và thị trấn Bích Động, chỉ 85 thửa đất có khách hàng trả giá với mức trúng hơn 200 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm gần 59,5 tỷ đồng.

Còn lại 32 thửa đất không có khách hàng trả giá và 1 thửa đất có người trả giá nhưng không đủ điều kiện. Do đó, các thửa đất này sẽ lại được đưa vào đấu giá thời gian tới.

Tại Hải Dương, tính từ đầu năm đến khoảng đầu tháng 9, huyện Kim Thành đã hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 50 thửa đất với tổng diện tích trên 6.400m2 tại vị trí quy hoạch dân cư mới thuộc các xã Phúc Thành, Kim Tân và Ngũ Phúc với tổng số tiền hủy gần 135 tỷ đồng.

Nguyên nhân là khách hàng đã trúng đấu giá nhưng không nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Do đó, huyện Kim Thành đã hoàn tất các thủ tục theo quy định, lựa chọn đơn vị để tổ chức thực hiện đấu giá lại.

297317618_388572856540856_5804157579985333787_n.jpg

Tương tự, cuối tháng 8, UBND TP. Pleiku đã hủy kết quả trúng đấu giá đối với 11 người đấu trúng 29 lô trong đợt đấu giá 104 thửa đất tại khu quy hoạch chi tiết khu dân cư phường Chi Lăng hồi tháng 3 vì không nộp tổng số tiền 30 tỷ đồng theo quy định.

Hiện tượng đất đấu giá ế ẩm xuất hiện ở một số tỉnh, trái lại ở ven đô Hà Nội các phiên đấu giá vẫn thu hút được lượng khách hàng nhất định. Nhưng, mức giá trúng không còn cao ngất ngưởng như trước.

Mới đây, trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Anh phối hợp với công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt tổ chức phiên đấu giá đối với 27 thửa đất tại thôn Dục Tú 1, xã Dục Tú. 

Theo đó, giá khởi điểm của các thửa đất từ 28,8 triệu đồng/m2 đến 33,7 triệu đồng/m2 tuỳ từng thửa đất. Tổng diện tích các thửa đất đưa ra đấu giá là gần 2.600m2, dao động từ 90m2 đến 164,17 m2.

Phiên đấu giá thu hút được 98 nhà đầu tư với mức giá trúng cao nhất là 51,2 triệu đồng/m2; giá trúng đấu giá thấp nhất là 37,3 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá hơn 112 tỷ đồng, chênh lệch hơn 34 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Đầu tháng 10, 27 thửa đất (đợt 1) với tổng diện tích hơn 2.571 m2 tại thôn Dục Tú 1, xã Dục Tú cũng được đưa ra đấu giá để làm nhà ở lâu dài. Giá khởi điểm cho các thửa đất thấp nhất từ 28,8 triệu đồng/m2 đến cao nhất 33,7 triệu đồng/m2( tuỳ theo diện tích và vị trí).

13.jpeg

Tham gia phiên đấu giá có 109 nhà đầu tư với mức giá trúng cao nhất là 56,7 triệu đồng/m2, giá trúng đấu giá thấp nhất là 35,2 triệu đồng/m2. Tổng giá trúng đấu giá thu về hơn 112 tỷ đồng. 

Theo anh Quang Thế, nhà đầu tư tại Hà Nội, trước kia, khi thị trường bất động sản sốt nóng, các phiên đấu giá thu hút cả nghìn hồ sơ tham gia, người trúng đấu giá chỉ cần “lướt sóng” một thời gian ngắn hoặc sang tay ngay đã có lãi. Tuy nhiên, ở hiện tại hầu hết tại các phiên đấu giá ít người tham gia, việc lướt sóng cũng trở nên khó khăn. Do đó, nhiều người dù trúng nhưng cũng bỏ cọc.

Anh Nguyễn Hồng, nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm cho biết, khi thị trường sôi động, đa phần những người tham gia chỉ cần bỏ số vốn nhỏ để cọc từ 100 - 300 triệu đồng/lô, nếu trúng họ sẽ bán nhanh cũng lãi hàng trăm triệu đồng. Do đó, đất đấu giá như miếng “mồi” béo bở của những nhà đầu tư từ vốn nhỏ tới vốn lớn.

“Những người tham gia đấu giá chủ yếu là đầu cơ, đầu tư kiếm lời, còn nhu cầu thực thì rất ít. Nhiều người khi tham gia đấu giá cũng không đủ vốn để ôm hết mà chỉ đủ tiền đặt cọc. Không phủ nhận lợi thế của đất đấu giá là tính pháp lý, hạ tầng hoàn chỉnh, nhưng ở giai đoạn thị trường thanh khoản kém như hiện nay việc lướt sóng bán chênh khó nên nhà đầu tư cũng không tham gia nữa. Theo đó, mức giá trước kia phải gấp 2 - 3 lần khởi điểm mới trúng thì nay chỉ cần chênh 10 - 30%”, anh Hồng nói.

Ở góc độ đầu tư, nhà đầu tư này cho rằng, một số người trúng đấu giá dù đủ tiền mua nhưng cũng chấp nhận bỏ cọc. Bởi, nếu thị trường tiếp tục ảm đạm, họ có thể phải chôn vốn một thời gian dài.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Hết thời "lướt sóng", đất đấu giá ế ẩm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO