Mạng lưới rào chắn, đập và máy bơm chạy bằng năng lượng gió của Hà Lan đã giúp người dân quốc gia này sinh sống yên bình trong một thời gian dài. Tuy nhiên, ngay cả hệ thống ngăn lũ hiện đại cũng có những giới hạn khi mực nước biển tiếp tục dâng cao. Điều này tạo ra những bất ổn cho tương lai của Amsterdam trong thế kỷ tới, đặc biệt là các vùng ven sông.
Cách Hà Lan "sống chung với lũ"
Trong một sự kiện do Bloomberg CityLab tổ chức, nhà quy hoạch đô thị Zef Hemel đã nói về những thành tựu mà Amsterdam đạt được. Ông đề cập đến một loạt các đảo và bán đảo nhân tạo công nghiệp ở bờ phía đông, được gọi là Eastern Docklands, mà thành phố đã dành 30 năm để tái phát triển.
Khu vực từng là đầm lầy không có người sinh sống giờ đây trở thành những dãy nhà, với mật độ dân cư từ trung bình đến cao. Bảo tàng, hội trường âm nhạc và những cơ sở giải trí khác có kiến trúc độc đáo cũng được xây dựng ở nơi này. Nổi bật nhất là Bảo tàng Khoa học NEMO, được xây dựng trên nóc của một đường hầm. Công trình này được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Ý – Renzo Piano, với mặt tiền cong, màu xanh lá cây và có hình dáng như một mũi tên nhô lên khỏi mặt nước.
Hemel nói về tiến độ phát triển của Eastern Docklands: “Hiện chúng tôi đã đi được một nửa chặng đường và vẫn còn 20-30 năm nữa. Và sau đó, mọi người có thể kết luận công trình khổng lồ này có ý nghĩa như thế nào.”
Được xây dựng trên vùng đất khai hoang (giống như phần lớn Amsterdam), khu vực này là cảng biển chính của thành phố cho đến cuối những năm 1960, khi nhu cầu của các doanh nghiệp vận tải vượt quá khả năng đáp ứng của các bến cảng. Địa điểm này đã bị bỏ hoang trong khoảng 20 năm khi hoạt động cảng biển di chuyển đến trung tâm thành phố. Các nhà kho và tòa nhà khác bị bỏ hoang, mục nát và có nhiều người vô gia cư đến ở.
Hemel cho hay: “Vào những năm 80, đó là một khu vực vô chủ. Không ai biết phải làm gì với nó.”
Song, đó lại là một khoảng thời gian quan trọng với Amsterdam, khi thành phố này đối mặt với xu hướng bùng nổ dân số và không có nhiều khu đất trống trong đất liền để xây dựng.
Khi đó, giới chức bắt đầu xem xét đến Eastern Docklands, lấy cảm hứng ban đầu từ Baltimore và thành phố New York – những nơi cũng nỗ lực hồi sinh những mảnh đất ở gần sông. Kiến trúc sư trẻ người Hà Lan Rem Koolhaas thậm chí còn đề xuất xây dựng một đường cao tốc dọc bờ sông như ở New York, nhưng lại bị cộng đồng phản đối.
Do đó, kế hoạch này lại bị đình trệ và giới chức buộc phải cân nhắc một phương án khác. Ngay sau đó, họ bắt tay vào thực hiện một dự án lớn nhằm tái phát triển khu vực này thành một cộng đồng bền vững và không quá đông đúc.
Khu đầm lầy bị bỏ hoang sẽ trở thành những khu phố sôi động và có nhiều nhà giá phải chăng để đón số lượng dân cư ngày càng tăng. Quan trọng hơn, người dân sẽ sống chung với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào nhất của Amsterdam đó là nước, Hemel cho biết.
Hiện tại, Amsterdam thấp hơn 2 mét so với mực nước biển, nhưng lại có rất nhiều tòa nhà mang tính lịch sử được xây dựng trên các cọc gỗ cắm xuống sâu dưới nước qua những lớp đá, cát nén và đất sét. Thành phố vận hành mạng lưới phòng chống lũ trong vùng cùng với hệ thống rộng hơn, bao gồm các chốt, cống và trạm bơm được xây dựng từ thế kỷ 19. Nhờ đó, Amsterdam không bị tác động bởi thủy triều và lượng nước dư thừa bị đẩy ra Biển Bắc trong mùa mưa.
Rủi ro tiềm ẩn vì biến đổi khí hậu
Tuy nhiên, dù thực tế là Hà Lan có một hệ thống đập hiện đại, đồ sộ để chống lũ nhưng mực nước biển trung bình đã tăng 3mm/năm. Nếu hệ thống đập, máy bơm gặp rủi ro, 60% diện tích của quốc gia này sẽ ngập lụt, theo ước tính của chương trình nghiên cứu Delta của chính phủ Hà Lan.
Ngoài ra, theo bản đồ sử dụng dữ liệu về độ cao của mực nước biển và thủy triều của tổ chức phi lợi nhuận Climate Central, các khu vực ven biển của Hà Lan sẽ phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng cao trong vài năm tới.
Maarten Ouboter – nhà thủy văn tại công ty cấp nước khu vực Waternet, cho biết khi mực nước biển dâng cao thì khả năng chống chịu lũ lụt của Amsterdam trở nên yếu hơn và các hệ thống đang được sử dụng sẽ không thể đáp ứng kịp thời. Trên cả nước Hà Lan, các biện pháp chống lũ hiện được thiết kế để vận hành hiệu quả cho đến năm 2050 và các kỹ sư vẫn không ngừng cải thiện. Song, giới chuyên gia cho rằng mực nước biển đang tăng nhanh hơn dự kiến.
Trong khi đó, ở Amsterdam, lượng mưa ngày càng lớn sẽ thành trở ngại đối với hệ thống nước thải của thành phố - được xây dựng từ năm 1872 đến 1987 để thu gom cả nước thải và nước mưa. Ouboter giải thích: “Hệ thống hiện tại chỉ có thể chống chịu khi nước dâng thêm khoảng 25 cm. Điều này có nghĩa là toàn bộ lượng nước chảy vào hệ thống sẽ phải được bơm ra ngoài ngay lập tức vì đó không phải hệ thống lưu trữ.”
Ông nói thêm, Amsterdam sẽ phải có những kế hoạch đổi mới để khắc phục những hạn chế đó. Và việc xây dựng lại toàn bộ hệ thống cống sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD.
Những thách thức kể trên sẽ buộc Amsterdam phải thay đổi kế hoạch mà họ đang phát triển. Chẳng hạn, thành phố này có thể ngừng phụ thuộc vào việc xây dựng các đảo nhân tạo trong thời gian dài để giải quyết vấn đề nhà ở vì điều này sẽ ảnh hưởng đến mực nước. Hemel cho hay: “Theo một cách nào đó thì tiệc đã tàn.”
Tổng hợp