Trong bối cảnh các cơ quan quản lý trên toàn cầu ngày càng siết chặt hoạt động thâu tóm và sáp nhập của các tập đoàn công nghệ lớn, một xu hướng mới đang nổi lên: thay vì mua lại toàn bộ công ty, những gã khổng lồ như Google và Meta đang chuyển sang mô hình "mua người và công nghệ".
Chiến lược này không chỉ giúp họ tránh được sự giám sát pháp lý gắt gao mà còn tối ưu hóa chi phí, đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của các startup và hệ sinh thái công nghệ.
Xu thế này được khởi đầu bằng việc Mark Zuckerberg tăng cường thu hút nhân tài bằng tiền, nhắm đến những nhân sự chủ chốt và công nghệ của startup trong cuộc đua AI.

Hậu quả là những giấc mơ đổi đời bằng cổ phần của startup và dân công nghệ có thể kết thúc trong cảnh trắng tay.
Con đường tắt
Vụ việc của Windsurf, một công ty AI về lập trình, là một ví dụ điển hình. Tờ Business Insider (BI) cho hay ban đầu, Windsurf được cho là sắp về tay OpenAI với giá 3 tỷ USD, một thương vụ trong mơ của bất kỳ startup nào.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đổ vỡ. Thay vào đó, Google đã nhảy vào, nhưng không phải để mua lại toàn bộ Windsurf mà chỉ chi 2,4 tỷ USD để chiêu mộ CEO và các nhân tài chủ chốt của Windsurf, đồng thời cấp phép sử dụng sở hữu trí tuệ của công ty.
Phần còn lại của Windsurf sau đó được Cognition mua lại với giá thấp hơn nhiều, ước tính khoảng 300 triệu USD.
Theo BI, thay vì bỏ hàng tỷ USD mua trọn một startup và chịu rủi ro bị cơ quan chống độc quyền sờ gáy, Google lựa chọn mua CEO và nhóm kỹ sư hàng đầu của Windsurf, đồng thời mua bản quyền sử dụng công nghệ của công ty mà không cần mua lại toàn bộ doanh nghiệp.
Điều này cho phép Google tiếp cận sức mạnh công nghệ của Windsurf như một công cụ nội bộ, nhưng tránh được các thủ tục rườm rà của một vụ sáp nhập chính thức.
Trên thực tế Meta đã đi theo hướng này từ khi Mark Zuckerberg muốn thu hút nhân tài và công nghệ lõi cho cuộc đua AI. Gần đây, công ty này chi 14 tỷ USD để sở hữu 49% cổ phần Scale AI, đồng thời thu hút nhà sáng lập Alexandr Wang cùng đội ngũ nghiên cứu AI về đầu quân cho nhóm Superintelligence mới thành lập.
Không chỉ Windsurf và ScaleAI, xu hướng này còn được thấy trong các thương vụ gần đây liên quan đến Character AI và Inflection. Các công ty Big Tech dường như đang tìm cách tiếp cận trực tiếp với các nhà nghiên cứu AI hàng đầu và công nghệ tiên tiến mà không cần phải trải qua quá trình thâu tóm phức tạp và tốn kém.
Đồng thời, những động thái này giúp các đại gia công nghệ né được rủi ro bị cơ quan quản lý cạnh tranh điều tra hoặc ngăn chặn. Tập đoàn cũng không phải "gánh" toàn bộ nhân sự, tài sản và nợ nần của công ty

Thậm chí việc chỉ mua những phần cốt lõi khiến các BigTech tăng tính linh hoạt, chỉ "lấy" những gì họ cần như nhân tài và công nghệ chủ chốt.
Giấc mơ tan vỡ
Thương vụ Windsurf đã gây ra làn sóng tranh cãi gay gắt trong giới startup và các nhà đầu tư. Nhiều người cho rằng đây là hành vi "phá vỡ hợp đồng xã hội" giữa người sáng lập và nhân viên.
Truyền thống của Thung lũng Silicon là nhân viên startup chấp nhận rủi ro, làm việc cật lực với mức lương thấp hơn để đổi lấy cổ phần, hy vọng sẽ được hưởng lợi lớn khi công ty được mua lại.
Tuy nhiên, khi những người sáng lập và tài năng hàng đầu được "mua đứt" với giá cao, trong khi phần lớn nhân viên bị bỏ lại phía sau với giá trị thấp hơn nhiều, không được chia sẻ lợi ích từ thương vụ dù đã cống hiến hàng năm trời thì điều này tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, có thể làm giảm động lực và sự tin tưởng của nhân viên đối với các startup.
Tệ hơn, vụ việc này sẽ tạo ra sự bất mãn nội bộ, đồng thời đe dọa hệ sinh thái startup nói chung, khi nhân tài không còn mặn mà cống hiến cho các công ty nhỏ chưa rõ hồi kết.
Từ kỳ vọng đổi đời với mức định giá 3 tỷ USD khi gần như sáp nhập vào OpenAI, nhóm còn lại của Windsurf chỉ được Cognition mua lại với giá khoảng 300 triệu USD. Trong khi đó, những nhà sáng lập và kỹ sư giỏi nhất đã lên chuyến tàu sang Google.
"Đây là sự phá vỡ hợp đồng xã hội ngầm của giới khởi nghiệp," Amjad Masad – CEO của Replit (một đối thủ của Windsurf) nhận định. "Nếu startup thành công mà nhân viên không được hưởng lợi, thì ai còn muốn gia nhập các công ty nhỏ nữa?"
Về phía các tập đoàn lớn như Google, Meta, chiến lược "mua người và công nghệ" là bước đi khôn ngoan trong thời kỳ giám sát gắt gao. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Liệu chiến lược này có công bằng với nhân viên, nhà đầu tư và thậm chí là thị trường?
Việc các ông lớn có thể chi hàng tỷ USD để "mua ngoài" những bộ não xuất sắc, rồi bỏ lại các công ty khởi nghiệp trong tình trạng chắp vá, có thể dẫn đến hệ lụy lớn hơn, từ niềm tin sụp đổ cho đến suy giảm đổi mới sáng tạo.

Với người lao động, thương vụ Windsurf cùng ScaleAI là lời cảnh tỉnh cho giới trẻ muốn vào startup khi luôn phải đặt câu hỏi: "Liệu startup này có mục tiêu độc lập dài hạn, hay chỉ là bệ phóng để bán mình cho Big Tech?"
Trong một thế giới mà dữ liệu, thuật toán và con người quan trọng hơn bản thân pháp nhân doanh nghiệp, có lẽ luật chơi đã thay đổi, nhưng không phải ai cũng kịp nhận ra.
Và trong cuộc chơi đó, người thắng không chỉ là kẻ thông minh, mà còn là kẻ hiểu rõ mình đang chơi trò gì.
*Nguồn: BI, Fortune