Hệ thống bệnh viện tư lớn nhất các tỉnh miền núi vùng Đông Bắc công bố điều chưa từng có tiền lệ

Pha Lê | 11:26 07/05/2025

Doanh nghiệp này đưa ra kế hoạch đầy tham vọng trong thời gian tới.

Hệ thống bệnh viện tư lớn nhất các tỉnh miền núi vùng Đông Bắc công bố điều chưa từng có tiền lệ

Công ty Cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH (HOSE: TNH) là hệ thống bệnh viện ngoài công lập lớn nhất các tỉnh miền núi vùng Đông Bắc. Theo thông tin đăng tải trên website chính thức của doanh nghiệp này, hệ thống bệnh viện của tập đoàn gồm Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên và Bệnh viện TNH Việt Yên (Bắc Giang).

Các Bệnh viện của TNH đều có vị trí thuận lợi về giao thông, tiếp giáp với nhiều địa phương, nơi tập trung dân cư và khu công nghiệp lớn. Do vậy rất thuận lợi cho nhân dân khi có nhu cầu đến khám và điều trị tại Bệnh viện.

Năm 2021, cổ phiếu TNH của Công ty đã chính thức ghi danh là cổ phiếu bệnh viện đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE).

Sau 10 năm hoạt động, từ số vốn điều lệ đăng ký lần đầu là gần 27,7 tỷ đồng, đến nay trải qua 11 lần điều chỉnh, tổng vốn điều lệ của TNH đã tăng lên trên 1.101 tỷ đồng.

Hệ thống bệnh viện tư lớn nhất các tỉnh miền núi vùng Đông Bắc công bố điều chưa từng có tiền lệ - Ảnh 1.

TNH cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 1 năm 2025. Theo đó, doanh thu thuần bán hàng của công ty tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ, đạt 93,407 tỷ đồng.

Tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng 54%, lên mức 101 tỷ đồng. Theo báo cáo giải trình của TNH, nguyên nhân là do Bệnh viện TNH Việt Yên mới đi vào hoạt động nên các chi phí phục vụ cho việc vận hành bệnh viện mới, chi phí khấu hao tài sản mới đưa vào hoạt động tương đối lớn, chi phí lãi vay và nhân sự của Bệnh viện TNH Việt Yên tương đối cao so với doanh thu đạt được trong kỳ.

Bệnh viện TNH Việt Yên mặc dù đi vào hoạt động từ đầu tháng 11/2024, tuy nhiên đến ngày 01/3/2025 bệnh viện mới chính thức được triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nên số lượng bệnh nhân vào viện trong quý 1/2025 chưa cao. Điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận chung toàn công ty.

Cùng với đó, chi phí bán hàng tăng 83% từ mức 650 triệu đồng của cùng kỳ năm 2024 lên mức 1,2 tỷ đồng trong quý 1 đầu năm. Chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty cũng tăng 130% so với cùng kỳ năm 2024, lên mức 15,1 tỷ đồng.

Hệ thống bệnh viện tư lớn nhất các tỉnh miền núi vùng Đông Bắc công bố điều chưa từng có tiền lệ - Ảnh 2.

So với quý 1/2024, công ty có thêm một bệnh viện đi vào hoạt động nên các chí về nhân sự, vật tư tiêu hao, khấu hao tài sản cố định, chi phí truyền thông - marketing phục vụ cho hoạt động của bệnh viện mới cũng tăng theo.

Bệnh viện TNH Lạng Sơn do CTCP Bệnh viện TNH Lạng Sơn – công ty con của TNH là chủ đầu tư đang trong quá trình xây dựng nên chưa phát sinh doanh thu và đóng góp vào lợi nhuận của nhóm công ty.

Ngoài ra, trong quý 1/2025, công ty phát sinh thêm một số chi phí để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chuẩn hóa tiêu chuẩn cho cán bộ nhân viên, số hóa dữ liệu bệnh viện, nâng cao hiệu quả vận hành, phục vụ xu hướng chuyển đổi số toàn diện theo quy định Bộ Y tế.

Ngoài ra để người lao động yên tâm công tác, gắn bó lâu dài cùng công ty, trong kỳ công ty có thực hiện điều chỉnh đồng loạt mức thu nhập cho người lao động toàn công ty đồng thời kiện toàn cơ cấu tổ chức quản lý, bổ sung một số chức danh lãnh đạo chủ chốt để phù hợp với chiến lược mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh.

Tổng chung, những nhân tố trên đã kéo theo lợi nhuận sau thuế TNDN quý 1/2025 giảm 333% so với quý 1/2024. Nếu như lợi nhuận sau thuế của quý 1/2024 đạt gần 15 tỷ đồng thì sang đến năm nay, con số này là -34,8 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ lớn nhất lịch sử kinh doanh của công ty và là khoản lỗ quý thứ 2 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Hệ thống bệnh viện tư lớn nhất các tỉnh miền núi vùng Đông Bắc công bố điều chưa từng có tiền lệ - Ảnh 3.

Liên quan đến chiến lược phát triển, TNH cho biết, công ty đặt mục tiêu, đến năm 2030 TNH là tập đoàn Y tế có độ phủ rộng nhiều vùng miền trên cả nước, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao, giá phù hợp với nhiều khách hàng. 

Đồng thời trở thành hệ thống Y tế đa dạng, linh hoạt, bao gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, và trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi kết hợp bệnh viện của tập đoàn tại một số địa phương mà TNH có lợi thế tiên phong, có trường đào tạo chuyên ngành chăm sóc sức khỏe, với trung tâm điều hành và hoạt động chính của tập đoàn tại Hà Nội.

TNH đặt kế hoạch đến hết năm 2030 có 10 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ở các tỉnh, thành, với tổng số giường bệnh đạt 3.350 và tổng vốn đầu tư ban đầu 13.340 tỷ đồng. 1,8 triệu lượt khám, chữa bệnh/năm, hiệu suất tăng 5%/năm.

Trong một diễn biến khác, TNH đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 49% lên 70%. Đây là cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu đầy tham vọng của TNH.


(0) Bình luận
Hệ thống bệnh viện tư lớn nhất các tỉnh miền núi vùng Đông Bắc công bố điều chưa từng có tiền lệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO