Hé mở về Tân Chủ tịch Cao Thị Thúy Nga và dàn lãnh đạo mới tại PGBank

Lê Sáng | 10:21 25/04/2025

Bà Cao Thị Thuý Nga vừa được bầu làm chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) sau khi Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 rút lui.

Hé mở về Tân Chủ tịch Cao Thị Thúy Nga và dàn lãnh đạo mới tại PGBank
PGBank hiện có trụ sở tại tòa nhà Thành Công Tower

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 của Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) vừa diễn ra, Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025, ông Phạm Mạnh Thắng - người sở hữu 5% vốn điều lệ PGBank đã rút lui khỏi HĐQT nhiệm kỳ mới.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch HĐQT Đào Phong Trúc Đại, một người có mối liên hệ với Tập đoàn Thành Công cũng không còn là thành viên HĐQT PGBank.

HĐQT nhiệm kỳ 2025-2030 của PGBank gồm 5 thành viên, trong đó có hai gương mặt mới hoàn toàn là ông Nguyễn Văn Hương - Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Văn Tý - đại diện từ Tập đoàn Thành Công.

Đáng chú ý, tân Chủ tịch HĐQT PGBank vừa được bầu là bà Cao Thị Thuý Nga, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán.

capture.jpg
Bà Cao Thị Thúy Nga (thứ 4 từ trái sang) cùng thành viên Hội đồng quản trị PGBank nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: PGBank

Được biết, bà Nga sinh năm 1958, từng là Phó Tổng Giám đốc MBBank, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán MB, Trưởng Ban kiểm soát Công ty Chứng khoán MB, Thành viên HĐQT CTCP Tư vấn và Kết nối kinh doanh Việt.

Ông Nguyễn Văn Hương, sinh năm 1980, từng đảm nhiệm các chức danh: Giám đốc vùng 4, sau đó là Giám đốc kênh bán hàng trực tiếp khối Khách hàng cá nhân - VPBank; Giám đốc khối bán lẻ Ngân hàng OCB; Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối bán lẻ OCB. Ông Hương hiện là Tổng Giám đốc PGBank.

Ông Vương Phúc Chính, sinh năm 1975, các chức danh từng đảm nhiệm: Giám đốc khu vực 3 - Vùng 1, Techcombank; Giám đốc vùng, khối bán hàng và dịch vụ - VPBank; Giám đốc khu vực, khối bán hàng và dịch vụ - SeABank.

Ông Đinh Thành Nghiệp, thành viên HĐQT, từng giữ chức Giám đốc Ngân hàng TMCP Đồng Tháp Mười - tiền thân của PGBank. Sau khi chuyển đổi thành ngân hàng TMCP đô thị, ông đảm nhiệm vai trò là Thành viên HĐQT từ đó đến nay tại PGBank.

Còn ông Nguyễn Văn Tý - thành viên HĐQT độc lập, sinh năm 1957. Ông Tý là chuyên viên đầu tư của Tập đoàn Thành Công từ năm 2007 đến nay.

Trước đó, PGBank đưa ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc điều hành của Công ty Dịch vụ và Hạ tầng Thành Công, vào danh sách đề cử. Tuy nhiên, ngày 22/4, ông Tuấn Anh đã rút khỏi danh sách ứng viên bầu HĐQT PGBank nhiệm kỳ 2025-2030 vì lý do cá nhân.

ĐHĐCĐ cũng đã bầu ra Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới gồm 4 thành viên, trong đó có 3 gương mặt từ nhiệm kỳ trước gồm: Ông Trần Ngọc Dũng (Trưởng ban), ông Trịnh Mạnh Hoán và bà Hạ Hồng Mai. Thành viên được bầu bổ sung cho nhiệm kỳ mới là bà Đinh Thụy Trâm.

PGBank hiện có vốn điều lệ 4.200 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2025, ngân hàng này sẽ tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng thông qua phương thức chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu trả cổ tức.

Tính đến ngày 31/3/2025, có 3 cổ đông tổ chức sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên tại PGBank, gồm: CTCP Quốc tế Cường Phát là cổ đông lớn nhất, tỷ lệ 13,54%; CTCP Thương mại Vũ Anh Đức sở hữu 13,36%; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh 13,1%.

Ba cổ đông lớn vừa giảm gần 6,5% vốn điều lệ

Liên quan đến sự chuyển dịch trong cơ cấu và tỷ lệ sở hữu tại PGBank, mới đây, ba cổ đông lớn của PGBank vừa bất ngờ “xả” gần 6,5% vốn điều lệ của nhà băng. Động thái này diễn ra ngay trong bối cảnh PGBank đang tiến hành chào bán 80 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 21:4.

Ba cổ đông lớn của PGBank gồm CTCP Thương mại Vũ Anh Đức, CTCP Quốc tế Cường Phát và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Thương mại Gia Linh vừa có vừa có thông báo giao dịch cổ phiếu PGB gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán về động thái chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu, làm giảm tỷ lệ sở hữu tại nhà băng này.

Theo thông báo giao dịch, trong khoảng thời gian từ ngày 8/4 đến 14/4/2025, ba doanh nghiệp nói trên đã tiến hành chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm của PGBank trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu. Như vậy, tổng tỷ lệ sở hữu của ba cổ đông lớn này tại PGBank đã giảm từ gần 40% xuống còn 33,6%.

Cụ thể, CTCP Thương mại Vũ Anh Đức đã chuyển nhượng gần 10,7 triệu quyền mua cổ phiếu. Dù số lượng cổ phiếu nắm giữ không thay đổi (56,11 triệu cổ phiếu), tỷ lệ sở hữu của công ty này đã giảm từ 13,36% xuống còn 11,22%.

Tương tự, CTCP Quốc tế Cường Phát đã chuyển nhượng 10,83 triệu quyền mua cổ phiếu, kéo tỷ lệ sở hữu từ 13,54% xuống còn 11,375%. Trong khi đó, Công ty Gia Linh cũng thực hiện giao dịch tương tự với 10,48 triệu quyền mua, làm giảm tỷ lệ sở hữu từ 13,1% xuống 11%.

Được biết, ba doanh nghiệp trên từng là nhà đầu tư mua lại thành công 120 triệu cổ phiếu PGB trong buổi đấu giá cổ phần do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tổ chức hồi tháng 4/2023, tương đương 40% vốn điều lệ của PGBank thời điểm đó.

Động thái giảm sở hữu lần này diễn ra trong bối cảnh PGBank đang tiến hành chào bán 80 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 21:4 (sở hữu 21 cổ phiếu sẽ được mua thêm 4 cổ phiếu mới). Đợt phát hành này nhằm tăng vốn điều lệ từ 4.200 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Thời gian đăng ký mua và nộp tiền diễn ra từ ngày 24/3 đến ngày 14/4/2025.

Nhà băng này dự kiến sẽ thu về 800 tỷ đồng từ đợt phát hành. Theo phương án sử dụng vốn công bố ngày 19/12/2024, toàn bộ số tiền này sẽ được dùng cho hoạt động cho vay, trong đó 200 tỷ đồng dành cho vay ngắn hạn và 600 tỷ đồng cho vay dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.

Đây là lần thứ hai PGBank tăng vốn kể từ khi Petrolimex thoái vốn và có sự tham gia của đối tác chiến lược mới là Tập đoàn Thành Công vào năm 2023. Trước đó, đầu năm 2024, ngân hàng đã phát hành thành công 120 triệu cổ phiếu thưởng, nâng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng, đánh dấu bước ngoặt sau 10 năm giữ vị thế ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống.

Về kết quả kinh doanh, năm 2024, PGBank đạt lợi nhuận trước thuế 421 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2023 và hoàn thành 76% kế hoạch đề ra. Năm 2025, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 716 tỷ đồng, tăng 70% so với năm trước, cho thấy kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Về chất lượng tín dụng, tính đến 31/12/2024, tổng nợ xấu của PGBank tăng 5% so với đầu năm, lên mức 1.061 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn đang chiếm đến 58% tổng nợ xấu của nhà băng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Hé mở về Tân Chủ tịch Cao Thị Thúy Nga và dàn lãnh đạo mới tại PGBank
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO