‘Sức mua của người dân giảm” là câu nói đã được nhiều chuyên gia cũng như lãnh đạo của các công ty trong ngành tiêu dung bán lẻ nhận định trong suốt nửa đầu năm 2023. Điều này đang không chỉ xảy ra với riêng ngành bán lẻ, mà ngành ô tô cũng đang phải chịu những tác động chung do cầu của người dân yếu đi.
Các doanh nghiệp ô tô đều "thê thảm"
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính chung 6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị thành viên của hiệp hội này đã bán ra thị trường tổng cộng 137.327 xe, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xe du lịch giảm 37%, xe thương mại giảm 11% và xe chuyên dụng giảm 65%.
Nguồn: VAMA
Còn với VinFast, theo số liệu công bố hãng xe điện này đã bán tổng cộng 11.638 xe ô tô trong nửa đầu năm, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Còn tập đoàn Thành Công (TC GROUP) - nhà phân phối xe Hyundai tại Việt Nam đã bán 28.011 xe ôtô trong nửa đầu năm, giảm 38% so với cùng kì năm 2022.
Chỉ tính doanh số công bố chính thức từ VAMA, TC Group và VinFast, trong tháng 6 vừa qua các đơn vị này có doanh số bán 32.063 xe; nâng tổng doanh số bán hàng trong 6 tháng đầu năm 2023 lên 176.976 xe các loại được bàn giao đến tay khách hàng trong khắp cả nước, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô trên sàn đã tiếp tục báo cáo khoản lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ.
Haxaco (mã chứng khoán: HAX) - nhà phân phối xe Mercedes - Benz có thị phần lớn nhất Việt Nam đạt doanh thu 797 tỷ đồng, giảm 48,5% so với thực hiện năm trước. Khấu trừ chi phí, công ty chỉ lãi 1,7 tỷ đồng, giảm gần 98% so với quý 2/2022. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất doanh nghiệp ghi nhận kể từ quý 3/2021.
Savico (mã chứng khoán: SVC) - nhà phân phối xe có thị phần lớn nhất Việt Nam chỉ ghi nhận lợi nhuận ròng quý 2/2023 đạt 5,6 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ năm trước.
City Auto (mã chứng khoán: CTF) - nhà phân phối xe Ford cũng ghi nhận lợi nhuận giảm 84%.
Thậm chí, TMT Motors (mã chứng khoán: TMT) và Ô tô Giải Phóng (mã chứng khoán: GGG) còn báo lỗ trong quý vừa rồi. Với Ô tô Giải Phóng thì câu chuyện lỗ đã không còn quá xa lạ khi doanh nghiệp này đã lỗ 10 năm liên tiếp. Còn TMT Motors bất ngờ báo lỗ gần 600 triệu đồng. Đơn vị này vừa cho ra mắt xe điện mini Wuling HongGuang MiniEV.
CTCP G-Automobile (mã GMA) báo doanh thu đột biến từ 9,8 tỷ đồng lên 558 tỷ đồng trong quý 2 năm nay nhưng chi phí quá lớn đã khiến cho công ty lỗ sau thuế 8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 3 tỷ. 6 tháng đầu năm, dù doanh thu lên tới 1.232 tỷ đồng nhưng G-Automobile lỗ 7 tỷ đồng. Sự tăng vọt của doanh thu đến từ việc mua 2 đại lý ô tô An Du (Mercedes-Benz) và An Dân (Mitsubishi).
CTCP G-Automobile tiền thân là CTCP Enteco Việt Nam, thành lập năm 2011 với VĐL 2 tỷ đồng hoạt động chính trong lĩnh vực cho thuê máy móc thiết bị công trình, sửa chữa máy móc thiết bị công trình…
Năm 2022, công ty này tăng vốn điều lệ từ 60 tỷ lên gần 200 tỷ đồng và chuyển đổi hoạt động sang mảng ô tô bao gồm đại lý ô tô, dịch vụ ô tô, công nghệ liên quan đến ô tô đồng thời đổi tên từ Enteco thành G-Automobile và tiến hành mua cổ phần tại 2 đại lý xe hơi lớn.
G-Automobile mua công ty con (sở hữu 55%) là CTCP Truyền thông và Dữ liệu thanh toán An Du (An Du) - Đại lý Ủy quyền đầu tiên của Mercedes-Benz Việt Nam tại khu vực Miền Bắc và Miền Trung, một đối thủ cạnh tranh lớn của Haxaco.
G-Automobile mua công ty liên kết (tỷ lệ sở hữu gần 31%) là CTCP Đầu tư thương mại An Dân được giới thiệu là Công ty thành viên của Gami Group, là Đại lý Mitsubishi đầu tiên có mặt tại Miền Bắc.
Có gì để kỳ vọng trong nửa cuối năm?
Sau những khó khăn gặp phải trong nửa đầu năm, CTCK VNDirect cho rằng trong thời gian tới đây ngành ô tô sẽ có những chuyển biến tích cực bởi nhiều yếu tố. Đầu tiên, đơn vị này kỳ vọng giảm lãi suất sẽ thúc đẩy nhu cầu mua sắm các hàng xa xỉ do Ngân hàng Nhà Nước đã giảm lãi suất điều hành từ cuối tháng 5.
Thứ hai, VNDirect cho biết Chính phủ vừa ban hành Nghị định 36 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Cụ thể, thời hạn nộp thuế môn bài phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8, 9 chậm nhất là ngày 20/11/2023. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/6 đến hết năm nay. Hết thời gian gia hạn theo Nghị định này, việc nộp số thuế này sẽ được thực hiện theo quy định hiện hành. Từ năm 2020, đây là lần thứ 4 thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn nhằm hỗ trợ và phục hồi sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngoài ra, Chính phủ đã thông qua đề án giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, có hiệu lực từ 1/7 đến hết năm 2023. Trước đó, sau khi được áp dụng giảm lệ phí trước bạ trong nửa cuối 2020 và 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh số bán ô tô toàn thị trường chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ.
Đặc biệt, doanh số bán ô tô con trong nửa cuối 2020 đạt 189.451 chiếc, tăng 76% so với 6T2020 và 33% so với cùng kỳ. Trong khi con số này trong 6T2022 đạt 252.932 chiếc, tăng 36% so với cùng kỳ. Do đó, VNDirect kỳ vọng các chính sách ưu đãi từ Chính phủ sẽ là động lực cvahính cho sự phục hồi của ngành ô tô trong nửa cuối 2023.
Cuối cùng, VNDirect còn nhấn mạnh về việc xe điện đang dần trở thành xu thế trong tương lai gần. Doanh số bán xe điện (EV) toàn cầu trong quý 1/2023 tăng 32% so với cùng kỳ, theo nghiên cứu mới nhất của Counterpoint.
Cứ bảy chiếc xe được bán trong quý đầu năm nay thì có một chiếc là xe điện. Xe điện chạy bằng pin (BEV) chiếm 73% tổng doanh số bán xe điện trong quý, trong khi xe điện lai plug-in (PHEV) chiếm phần còn lại. Cơ quan Phương tiện Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo rằng doanh số bán xe điện toàn cầu sẽ tăng lên 14 triệu chiếc vào năm 2023, tăng 35% so với cùng kỳ và đạt tổng thị phần khoảng 18% doanh số toàn cầu.
Đơn vị này kỳ vọng công ty sản xuất EV lớn như Vingroup (mã chứng khoán: VIC) hay TMT Motors sẽ tận dụng xu hướng EV. Hiện tại, Vinfast đang sở hữu loạt sản phẩm xe phổ thông từ phân khúc A đến E, bao gồm VFe34, VF3, VF5, VF6, VF7, VF8 và VF9.