Hậu cú sốc siết chặt quản lý, hàng tỷ USD vốn hóa bốc hơi: Alibaba, Tencent hái "quả ngọt" khó tin tại ASIAD

Hữu Hiển | 11:30 28/09/2023

Alibaba là một trong những công ty công nghệ cao cấp của Trung Quốc bị siết chặt quản lý, nhưng ASIAD 19 đang diễn ra tại thành phố Hàng Châu - quê hương của công ty này - đã chứng tỏ là một cơ hội vàng.

Hậu cú sốc siết chặt quản lý, hàng tỷ USD vốn hóa bốc hơi: Alibaba, Tencent hái "quả ngọt" khó tin tại ASIAD
Du khách trải nghiệm một số công nghệ tại địa điểm thi đấu eSports của Đại hội thể thao châu Á ASIAD 2023. Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP, Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 19 có thể sẽ bị gián đoạn nếu không có Alibaba - được đồng sáng lập bởi Jack Ma ở Hàng Châu gần 25 năm trước - vì công ty này vận hành hệ thống điện toán đám mây hoành tráng phục vụ nhiều môn thể thao.

Alibaba cũng sở hữu ứng dụng nhắn tin miễn phí Dingtalk được đội ngũ nhân viên ASIAD sử dụng để liên lạc và Alipay liên kết với Alibaba là ví kỹ thuật số duy nhất của Trung Quốc được chấp nhận trên khắp các địa điểm thi đấu.

Các thỏa thuận hợp tác của Alibaba với Ban tổ chức ASIAD 19 đã được ký kết trước các động thái siết chặt quản lý ngành công nghệ đang phát triển của Trung Quốc.

ASIAD giờ đây là cơ hội quý giá để Alibaba đánh bóng hình ảnh của mình một lần nữa và để các đại diện của họ gặp gỡ các chính khách, doanh nhân và giới chức thể thao từ khắp Trung Quốc, châu Á và hơn thế nữa.

Trung Quốc siết chặt quản lý ngành công nghệ

Theo AFP, năm 2020, Alibaba trở thành gã khổng lồ công nghệ đầu tiên của Trung Quốc phải chịu sự giám sát ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã hủy bỏ đợt chào bán công khai lần đầu (IPO) trị giá 34 tỷ USD của Ant Group - công ty con cũ của Alibaba.

Một tháng sau vụ IPO bất thành của Ant Group, Alibaba bị điều tra vì cáo buộc có hành vi hạn chế cạnh tranh, sau đó phải chịu mức phạt 2,8 tỷ USD.

Một loạt động thái trấn áp các công ty công nghệ khác trong những tháng tiếp theo của Bắc Kinh đã “thổi bay” hàng tỷ USD vốn hóa thị trường của các công ty lớn trong ngành công nghệ Trung Quốc.

Các nhà chức trách Trung Quốc nhắm vào các công ty công nghệ bằng cách phạt tiền và đưa ra các quy tắc cho các lĩnh vực từ ứng dụng phát nhạc trực tuyến đến mua sắm và gọi xe, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia  và chống độc quyền.

Các ông chủ công nghệ, đặc biệt là Jack Ma, đã hạn chế các hoạt động công khai của họ tại Trung Quốc khi Bắc Kinh ngày càng lo ngại về quyền lực gia tăng và sự táo bạo của các tỷ phú có thể vượt ra khỏi giới hạn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, các quan chức đã thay đổi thái độ trong những tháng gần đây và nới lỏng sự kiểm soát khi nền kinh tế Trung Quốc đang gặp vật lộn với tốc độ tăng trưởng kém.

Theo kênh truyền hình nhà nước CGTN, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vào tháng 7 đã kêu gọi các cơ quan chính phủ "tạo ra một không gian thị trường công bằng và cạnh tranh... đồng thời cải thiện các quy định minh bạch và có thể dự đoán được để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành".

photo-3.jpg
Alibaba là đối tác chính thức của Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 2023). Ảnh: Alizila

Thời khắc vinh quang

Theo AFP, Alibaba không phải là công ty kinh tế kỹ thuật số duy nhất của Trung Quốc có cơ hội tỏa sáng tại ASIAD 2023 ở Hàng Châu – quê hương không chính thức của ngành công nghệ nước này.

Đối thủ lâu năm của Alibaba là Tencent cũng đang chứng kiến thời khắc vinh quang của mình, với bộ môn eSports (thể thao điện tử) mới mẻ - vốn có rất đông người hâm mộ - được thống trị bởi các tựa game liên kết với Tencent.

Việc eSports trở thành một bộ môn tranh huy chương tại ASIAD 2023 diễn ra sau một chiến dịch chính thức kéo dài khác của Bắc Kinh, chiến dịch này chống lại trò chơi điện tử, một phần của quá trình gia tăng quản lý công nghệ lớn hơn.

Tencent - công ty trò chơi điện tử lớn nhất thế giới tính theo doanh thu - đã không được cấp giấy phép cho những trò chơi điện tử mới từ các nhà chức trách Trung Quốc trong 18 tháng kể từ giữa năm 2021.

Hồi tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thông báo các cơ quan quản lý tài chính nước này ra quyết định phạt Ant Group 7,12 tỷ nhân dân tệ (984 triệu USD) sau khi kết thúc hơn 2 năm điều tra, trong khi Tencent bị phạt 2,99 tỷ nhân dân tệ (415 triệu USD). Động thái này được cho là báo hiệu sự kết thúc giai đoạn thắt chặt quản lý đối với lĩnh vực công nghệ.

Xin Sun - giảng viên cao cấp về kinh doanh tại Trung Quốc và Đông Á của trường Đại học King's College London (Anh) - cho biết, các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn đang hoạt động trong tình trạng hạn chế mặc dù có dấu hiệu dịu đi từ nhà chưucs trách.

Sun nói: “Từ quan điểm của chính phủ [Trung Quốc], sự đóng góp từ các công ty công nghệ lớn vẫn là điều đáng mong đợi đối với một dự án lớn như ASIAD.”

"Bởi vì không chỉ nguồn tài chính mà họ cung cấp, mà còn cả những công nghệ khác nhau mà họ mang đến để giới thiệu những thành tựu phát triển của Trung Quốc và Hàng Châu”, Sun nói.

Ông lưu ý rằng, ngay cả khi Trung Quốc ăn mừng những thành tựu công nghệ của mình ở Hàng Châu, cơ quan quản lý không gian mạng của nước này vẫn đang thắt chặt kiểm soát hoạt động trực tuyến liên quan đến ASIAD, ban hành chỉ thị vào tháng trước chống lại việc “truyền bá thông tin sai lệch” về sự kiện này.


(0) Bình luận
Hậu cú sốc siết chặt quản lý, hàng tỷ USD vốn hóa bốc hơi: Alibaba, Tencent hái "quả ngọt" khó tin tại ASIAD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO