Trong một năm được xem là bản lề cho chiến lược phát triển bền vững, Ngân hàng Quân đội (MB) đã chọn một cách rất khác biệt để nói lên khát vọng vì cộng đồng: khởi động chiến dịch "HiGreen Trường Sa", với mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh trên quần đảo Trường Sa – nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.
"Trồng cây ở đất liền đã khó, còn ra tận đảo xa – nơi có đất nhiễm mặn, gió lớn, thiếu nước lại càng khó hơn nữa. Nhưng việc khó, càng phải làm", ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB chia sẻ. Theo người điều hành MB, thách thức là cơ hội để khẳng định bản lĩnh, và nếu một ngân hàng như MB không dám đương đầu với việc khó, thì ai sẽ làm?
Tại sao là Trường Sa?
Theo CEO MB, lựa chọn Trường Sa để thực hiện dự án không phải quyết định ngẫu nhiên. Bởi đây không chỉ là địa danh, mà còn là nơi hội tụ của những giá trị lớn: chủ quyền quốc gia, lòng yêu nước, sự hy sinh thầm lặng của những người lính giữ đảo.
Với MB, đặt nền móng "xanh hóa" nơi này chính là kết nối trách nhiệm môi trường với trách nhiệm công dân, là hành động vì môi sinh cũng là hành động vì đất nước.
Theo ông Phạm Như Ánh, việc khởi động từ Trường Sa thể hiện quan điểm phát triển rất rõ ràng của MB: "Phát triển bền vững không chỉ diễn ra ở các trung tâm đô thị, mà phải lan tỏa đến cả những nơi thiêng liêng nhất, xa xôi nhất, nơi mà trái tim Tổ quốc luôn cần được gìn giữ".
Không dừng lại ở tính biểu trưng, việc lựa chọn "phủ xanh" Trường Sa còn mang ý nghĩa sinh thái và xã hội sâu sắc. Một triệu cây xanh sẽ góp phần cố định cát, chống xói mòn, giảm cát bay, bảo vệ công trình, tạo môi trường sống lành mạnh cho bộ đội, cư dân và nhiều loài sinh vật trên đảo.
MB gọi đây là cách họ "đối thoại với cộng đồng bằng cây xanh, bằng sự tử tế và bằng tầm nhìn phát triển đặt con người, đất nước ở trung tâm". Và Trường Sa – nơi tưởng như xa xôi – lại trở thành khởi đầu của một chương trình dài hơi, nơi MB thể hiện khát vọng phát triển bền vững không chỉ bằng lời nói, mà bằng hành động cụ thể.

Ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB.
Hành trình trồng một triệu cây xanh tại Trường Sa
Tuy nhiên, Trường Sa không phải là lựa chọn dễ dàng để bắt đầu nhất là với một chiến dịch phát triển về môi trường và hệ sinh thái. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông vận tải phụ thuộc thời tiết, việc trồng và duy trì cây sống không chỉ đòi hỏi nỗ lực lớn, mà còn cần tính toán kỹ về giống cây, kỹ thuật canh tác và sự phối hợp liên ngành.
Chính vì thế, MB đã chủ động hợp tác với Quân chủng Hải quân, các nhà khoa học, chuyên gia lâm nghiệp để xác định các giải pháp tối ưu. Chiến dịch không chỉ đặt ra mục tiêu trồng đủ số lượng, mà còn đảm bảo "trồng được rừng sống" – theo đúng nghĩa xanh và bền vững.
"Trồng mà cây không sống được thì không thể gọi là thành công. Chúng tôi rất nghiêm túc với điều này và mong muốn nhận được sự đồng hành từ toàn xã hội", ông Ánh nhấn mạnh.
Trên hành trình trồng một triệu cây xanh tại Trường Sa, MB không đi một mình. Chương trình HiGreen được thiết kế theo mô hình đồng tài trợ cộng đồng, huy động khoảng 160 tỷ đồng từ ngân sách MB, các đối tác, khách hàng và cộng đồng.
Chia sẻ về điều này, ông Ánh cho biết: "Chúng tôi không làm một mình. MB chỉ là người mở đường. Thành công thực sự của chiến dịch là khi toàn xã hội cùng tham gia, cùng tin tưởng vào giá trị bền vững mà cây xanh mang lại".
Để lan tỏa chiến dịch, MB coi truyền thông là một phần không thể tách rời trong chiến lược xanh, không chỉ để quảng bá mà để cộng hưởng.
Họ đã triển khai một chiến dịch truyền thông đa nền tảng, kết hợp giữa kênh nội bộ và bên ngoài, giữa công cụ truyền thống và công nghệ số, giữa biểu tượng và hành động thực tế. Đáng chú ý, là việc sử dụng TikTok, Facebook, và bài hát "Máu đỏ da vàng" để lan tỏa thông điệp bằng hình thức dễ tiếp cận, hiện đại.
Nội bộ MB trở thành trung tâm lan tỏa tinh thần: mỗi cán bộ, nhân viên đều chủ động kể câu chuyện "MB xanh" bằng ngôn ngữ và cách riêng của mình.
Với cộng đồng, thông điệp rõ ràng: "Phát triển bền vững không phải là điều xa xôi – đó là mỗi hành động nhỏ, mỗi lựa chọn mỗi ngày".
HiGreen – Văn hóa MB xanh hóa từ gốc

Gen ESG trong máu người MB. Ảnh: MB
Với MB, "HiGreen Trường Sa" không đơn thuần là một chương trình CSR. Đó là một nét văn hóa doanh nghiệp, nơi tinh thần trách nhiệm công dân, lòng yêu nước, truyền thống quân đội và khát vọng chuyển đổi số – chuyển đổi xanh giao thoa mạnh mẽ.
"Chúng tôi muốn mỗi khách hàng, mỗi cán bộ nhân viên khi nhắc đến MB sẽ thấy đây không chỉ là một ngân hàng mạnh về công nghệ, vững về tài chính, mà còn là một thương hiệu giàu tâm huyết với cộng đồng", ông Ánh nói.
Chiến dịch cũng đồng thời khơi dậy tinh thần tự nguyện, tham gia từ bên trong. Theo CEO MB, chính những thách thức ở Trường Sa đã "hun đúc tinh thần không ngại đi xa, không ngại làm khó", một phẩm chất được rèn luyện từ truyền thống quân đội, nay được tái hiện qua từng mầm xanh.
Trong bối cảnh thị trường tài chính đang dần chuyển mình, khách hàng, đặc biệt là người trẻ không chỉ muốn sản phẩm tài chính tốt, mà còn kỳ vọng vào những thương hiệu có lý tưởng, hành động vì cộng đồng.
Do đó, nhà băng không giấu kỳ vọng: HiGreen Trường Sa sẽ là chất xúc tác tạo ra một hình mẫu ngân hàng mới – nơi thành công không chỉ đo bằng lợi nhuận, mà bằng chỉ số trách nhiệm với xã hội và môi trường.
"Chúng tôi muốn chứng minh rằng, ngay cả trong lĩnh vực tài chính, mỗi hành động – từ một video TikTok, một giao dịch online, cho đến một cây xanh trên đảo – đều có thể trở thành một phần của hành trình ESG nếu được thực hiện bằng niềm tin và sự chân thành", ông Ánh chia sẻ.
MB xác định rằng Trường Sa chỉ là bước khởi đầu, nhưng là bước đủ sâu sắc để thay đổi nhận thức và hành động của toàn hệ thống. Quan trọng nhất, đây là cách MB gửi gắm một lời nhắn: ngân hàng không chỉ tồn tại vì những con số, mà còn vì những giá trị có thật, sống lâu dài – như cây xanh ngoài đảo xa.