Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm trong năm 2024 đã thu về gần 4 tỷ USD, tăng mạnh 14% so với năm 2023.
Đáng chú ý xuất khẩu sang các thị trường chính như EU, Trung Quốc và Mỹ ghi nhận tăng trưởng tốt. Nhu cầu phục vụ lễ hội cuối năm ở Mỹ, EU và nhu cầu phục vụ Tết nguyên đán ở Trung Quốc góp phần làm tăng đơn đặt hàng từ các thị trường này. Bên cạnh các thị trường chủ đạo, xuất khẩu sang các thị trường nhỏ hơn như Nga, Canada, Australia, Anh, Đài Loan cũng cho thấy nhiều tiềm năng trong năm 2024.
Giá xuất khẩu tôm trung bình sang các thị trường dịp cuối năm cũng có dấu hiệu khả quan. Giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng sang Mỹ trong tháng 11/2024 đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2023 (10,4 USD/kg). Giá tôm chân trắng xuất khẩu sang EU tăng liên tục kể từ tháng 6/2024 và đạt cao nhất 7,5 USD/kg trong tháng 11.
Giá tôm chân trắng xuất sang Nhật cũng tăng liên tục từ tháng 9/2024 trong khi xuất sang Hàn Quốc cũng đạt mức giá trung bình 7,7 USD/kg trong tháng 11/2024, mức cao nhất kể trong hơn 1 năm. Hiện nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu tôm đứng thứ hai thế giới, chiếm 13 - 14% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn cầu.
Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2024 cũng là niềm tự hào, là kết quả phấn đấu của cộng động ngành thủy sản ở các địa phương. Các tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu... là những tỉnh đi đầu, đóng góp từ 800-900 triệu USD cho tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước năm 2024.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ của nước ta ước đạt 737 nghìn ha (trong đó diện tích tôm sú 622 nghìn ha và diện tích tôm chân trắng 115 nghìn ha), với sản lượng đạt 1,264 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2023. Dự kiến, năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ sẽ đạt 750.000 ha, tăng 1,8% so với năm 2024, và sản lượng đạt 1.290 nghìn tấn, tăng 2% so với năm trước đó.
Trong năm qua, ngành tôm đối mặt với nhiều thách thức như giá tôm nguyên liệu liên tục giảm, thậm chí có giai đoạn chạm đáy so với các năm trước. Trong khi giá tôm giảm mạnh, chi phí thức ăn lại tăng, nông dân rơi vào tình trạng nuôi tôm không có lãi hoặc thua lỗ. Đặc biệt, nửa đầu năm 2024, giá tôm tiếp tục lao dốc ở hầu hết các kích cỡ, đúng vào thời điểm cao điểm thả giống của người nuôi tại khu vực ĐBSCL.
Mặc dù vậy nhưng ngành tôm Việt Nam vẫn kiên cường vượt qua khó khăn nhờ nỗ lực và quyết tâm, cùng với các chiến lược hợp lý. Trong thời gian tới, ngành tôm cần chuyển đổi tư duy: thay vì chỉ chú trọng vào sản lượng và công nghệ cao, cần ưu tiên bền vững và hiệu quả, tập trung vào chất lượng, bảo vệ môi trường, sức khỏe và giá trị sản phẩm.
VASEP đề xuất Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương tập trung các hoạt động ngoại giao kinh tế, đàm phán song phương và xúc tiến thương mại có mục tiêu tại các thị trường quan trọng để khơi thông lợi thế cho xuất khẩu tôm Việt Nam.