Đây là một trong những nội dung được các chuyên gia đưa ra phân tích tại Diễn đàn “Vai trò của Hiệp hội, Doanh nghiệp và Cơ quan báo chí trong xây dựng và phản biện chính sách” do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Diễn đàn, theo TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, đất nước ta đang bước vào một giai đoạn hết sức đặc biệt với mục tiêu đạt mức tăng trưởng 2 con số từ năm 2026 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành “bộ tứ trụ cột” gồm 4 nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Trên cơ sở đó, việc xác định vai trò của Hiệp hội trong góp ý và phản biện chính sách rất quan trọng. Thực tế, Hiệp hội, doanh nghiệp và báo chí đã thường xuyên thực hiện công tác này, nhất là trong 3 năm qua khi góp ý sửa đổi 3 bộ luật quan trọng của thị trường bất động sản: Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023. Trong đó, những góp ý của Hiệp hội cũng đã được Chính phủ ghi nhận, Quốc hội thông qua, ban hành và đồng thời có hiệu lực từ 1/8/2024.

Liên quan đến Nghị quyết 68, ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội cho biết, tinh thần của Nghị quyết là tăng sự bảo vệ, cắt giảm phiền hà và khơi thông nguồn lực. Bên cạnh đó là tăng sự bảo vệ, có nghĩa là bảo đảm các nguyên tắc khi xử lý sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế; khơi thông các nguồn lực cho doanh nghiệp, bao gồm tiếp cận vốn, đất đai và tháo gỡ vướng mắc trong các dự án đầu tư.
Từ ba tinh thần đó, có thể thấy, các cơ quan báo chí có định hướng chuyên sâu cần đảm nhận vai trò phản biện. “Để nghị quyết đi vào thực tế, phải có chính sách phù hợp và những tiếng nói phản biện xã hội. Báo chí cần đặt câu hỏi: Sau khi ban hành từ tháng 5 đến nay, Nghị quyết 68 đã đi vào cuộc sống đến đâu, chính sách gì đã đi vào cuộc sống người dân?”, ĐBQH Phan Đức Hiếu nói.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu cho rằng, việc kết nối các chủ thể trong tam giác doanh nghiệp - hiệp hội - báo chí là rất quan trọng. Quốc hội, Chính phủ luôn cần kênh thông tin từ tam giác này, nhưng vấn đề là cách thức đưa thông tin như thế nào cho hiệu quả. Nếu chỉ dừng ở việc đưa tin văn bản thì sẽ khó tiếp cận. Cần tạo ra tiếng nói đồng thuận, tiếng nói chung có sức nặng và lan tỏa.
Thực tế cho thấy, báo chí hiện vẫn ít đề cập đến một vấn đề rất quan trọng, đó là tâm lý sợ trách nhiệm trong bộ máy chính quyền, dẫn đến việc đùn đẩy, kéo dài thủ tục đối với doanh nghiệp.
“Tôi cho rằng báo chí cần phản biện mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề này, để thấy rõ rằng nếu không chọn được cán bộ có năng lực, có trách nhiệm, thì khó có thể tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực thi chính sách”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước đề xuất, phải loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm", thay vào đó, điều chỉnh chính sách để doanh nghiệp tuân thủ và làm tốt.
“Doanh nghiệp không nên và cũng không được can thiệp hay chi phối việc xây dựng chính sách. Nhưng doanh nghiệp hoàn toàn có quyền phản ánh những vướng mắc khi thực thi để các cơ quan chức năng có cơ sở điều chỉnh. Đây chính là cách cung cấp thông tin, bằng chứng để nhận diện chính sách nào đang phát huy hiệu quả và chính sách nào cần sửa đổi”, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường chỉ rõ.
Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, truyền thông và báo chí cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các bằng chứng khách quan, trung thực, tránh đưa tin sai lệch hay cường điệu.
Trả lời về vấn đề hiện các doanh nghiệp không lên tiếng phản biện chính sách, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH cho biết có 4 nguyên nhân: Thứ nhất, kỹ thuật, kỹ năng tham vấn công chúng của chúng ta còn hạn chế. Thứ hai, một chính sách nếu không tranh luận kỹ thì sẽ không thể làm rõ được tác động của chính sách, song đây là điều chúng ta chưa làm được. Thứ ba là bất cập về sự trưởng thành của các doanh nghiệp. Thứ tư, thực chất năng lực phản biện chính sách của doanh nghiệp còn hạn chế.
“Tôi cho rằng, năng lực nghiên cứu phản biện chính sách là một nhiệm vụ quan trọng của các hiệp hội. Vì thế, các hiệp hội cần nâng cao năng lực này, để bổ trợ thêm cho doanh nghiệp”, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho hay.
Như vậy, có thể thấy, vai trò của hiệp hội doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng, không chỉ có năng lực nghiên cứu mà hiệp hội còn có tính chính danh. Bởi thế, việc vận động chính sách nên là các hiệp hội lên tiếng chứ không nên qua doanh nghiệp để tránh sự xung đột lợi ích.