Sự kiện là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và người dân cùng nhìn nhận tổng thể về thực trạng, cơ hội và thách thức trong việc xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Đây cũng là cơ hội để khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của khu vực tư nhân trong quá trình chuyển đổi sang mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, bền vững. Tham dự Diễn đàn có đại diện các Bộ, ngành Trung ương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và giới chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, cùng đông đảo cơ quan báo chí.
Kinh tế tuần hoàn – hướng đi tất yếu của nông nghiệp hiện đại
Ngày 19/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 540/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học trong nông nghiệp được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp...
Thực tế, thời gian qua nhiều địa phương và nông hộ đã bắt đầu triển khai các mô hình tuần hoàn nhằm tận dụng phụ phẩm, tái sử dụng nguồn lực, tối ưu quy trình sản xuất và bảo vệ môi trường. Các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch đang dần hình thành tại nhiều vùng canh tác trọng điểm. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.
Theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất hiện nay là khung chính sách về kinh tế tuần hoàn còn thiếu đồng bộ; liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo; năng lực của các hợp tác xã còn yếu; đồng thời thiếu đội ngũ chuyên gia có chuyên môn sâu để triển khai hiệu quả các mô hình tuần hoàn trong thực tiễn.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI – nhấn mạnh: : "Chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trở thành xu thế phát triển tất yếu, là cơ hội để Việt Nam từng bước xây dựng và phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh, mang lại lợi ích bền vững cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp nước ta, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc dẫn dắt tái cơ cấu ngành nông nghiệp là kiên trì khơi gợi, tạo cảm hứng, đồng hành với bà con, phải tạo ra được hệ sinh thái, tạo ra giá trị để giúp người nông dân cùng đi với mình xa hơn, khăng khít hơn".
Nhiều giải pháp thiết thực được đề xuất
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng thảo luận, đề xuất nhiều nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Thứ nhất, cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện mô hình tuần hoàn cho người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Thứ hai, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn, bảo đảm tính minh bạch, hiệu lực và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ sinh học, quy trình sản xuất tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tiễn của nông nghiệp Việt Nam. Thứ tư, tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia và cán bộ kỹ thuật cấp cơ sở. Thứ năm, cần chủ động xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, có khả năng ứng dụng rộng rãi và phát triển bền vững.
Tiếp theo, các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định rõ thị trường đầu ra cho sản phẩm thuộc mô hình tuần hoàn, qua đó tạo động lực cho đầu tư và sản xuất. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác giữa các bên trong chuỗi sản xuất – gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân – để nâng cao hiệu quả vận hành, thu hút nguồn lực đầu tư và tiếp cận tiến bộ kỹ thuật.
Cuối cùng, việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế và mở rộng hợp tác toàn cầu được xem là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao trình độ và năng lực phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp Việt Nam.