Sau 2 phiên khởi sắc nhờ hiệu ứng từ Hội nghị tháo gỡ khó khăn cuối tuần trước, nhóm cổ phiếu bất động sản một lần nữa rơi vào vòng xoáy bán tháo. Một loạt cái tên “đình đám” như NVL, PDR, DIG, HPX, DPG, NLG, KDH, KHG,... đều chìm trong sắc đỏ, sàn. Cú rơi kéo vốn hóa của các doanh nghiệp BĐS giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, thậm chí kể từ khi niêm yết.
Trong số 12 doanh nghiệp bất động sản từng lọt vào danh sách tỷ USD vốn hóa thời đỉnh cao cuối năm 2021, chỉ duy nhất Becamex IDC (BCM) không bị thụt lùi. Phần lớn các cái tên còn lại đều đã “bốc hơi” hàng chục, thậm chí đến hàng trăm tỷ đồng vốn hóa sau hơn một năm. 3 “ông lớn” Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Novaland (NVL) mất nhiều nhất, đều trên 150.000 tỷ.
Giá trị vốn hóa của Vingoup đang ở mức thấp nhất trong hơn 5 năm kể từ cuối năm 2017, trong khi Vinhomes và Novaland đều đang quanh quanh vùng đáy lịch sử. Đây là một điều đáng tiếc khi từng có giai đoạn bộ đôi doanh nghiệp “họ” Vin thường xuyên “chễm chệ” trên đỉnh bảng xếp hạng vốn hóa. Đến thời điểm hiện tại, cả 2 đều đã rớt khỏi top 3 doanh nghiệp giá trị nhất sàn.
Những cái tên “hot” từng làm mưa làm gió trên sàn chứng khoán như Thaiholdings (THD), DIC Corp (DIG) hay Phát Đạt (PDR) cũng đều bị thổi bay trên 80% vốn hóa so với đỉnh. Sự đi xuống rõ rệt của những doanh nghiệp hàng đầu khiến câu lạc bộ tỷ USD dần vắng bóng các đại diện của nhóm BĐS.
Tính đến hết ngày 22/2, toàn sàn chứng khoán hiện có 42 doanh nghiệp tỷ USD vốn hóa nhưng chỉ còn đúng 4 đại diện nhóm BĐS là Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail (VRE) và Becamex IDC. Đáng chú ý, trong danh sách ít ỏi này chỉ có duy nhất Vinhomes là nhà phát triển bất động sản thuần túy.
Thực tế, Vingroup đã nhiều năm nay có định hướng trở thành tập đoàn đa ngành với trọng tâm công nghiệp – công nghệ – dịch vụ còn Vincom Retail chủ yếu tập trung vận hành các TTTM. Trong khi đó, Becamex IDC là “ông trùm” trong mảng khu công nghiệp tại khu vực phía nam, đặc biệt tại Bình Dương.
Nhóm “cổ đất” đánh mất vị thế trên bản đồ vốn hóa trên sàn chứng khoán đã phản ánh rõ nét những khó khăn của thị trường BĐS trong hơn một năm trở lại đây. Sau thời gian phát triển nóng và có phần dễ dàng, hoạt động các doanh nghiệp BĐS đã gặp nhiều trở ngại do thắt chặt quản lý 2 kênh huy động vốn là tín dụng ngân hàng và TPDN. Việc không thể “đảo nợ” trơn tru như trước đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng mất thanh khoản, thiếu hụt dòng tiền để trả nợ.
Bên cạnh đó, lãi suất tăng nhanh đã làm suy yếu nhu cầu mua nhà và nguồn cung mới bị sụt giảm trong quá trình phê duyệt pháp lý chờ được khai thông với Luật đất đai sửa đổi. Không bán được nhà khiến nguồn thu của các doanh nghiệp BĐS bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Trải qua hơn một năm đầy giông bão, nhóm BĐS được dự báo vẫn còn không ít thách thức phải đối mặt thời gian tới. Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” ngày 17/2 đã phát đi những thông điệp cho thấy thiện chí từ phía cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp BĐS cũng phải chủ động tái cơ cấu mạnh mẽ hoạt động để vượt khó thay vì chỉ ngồi chờ “giải cứu”.
Trước mắt, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022 với nhiều quy định mới được đề xuất nếu được thông qua sẽ giúp các doanh nghiệp BĐS “dễ thở” hơn đôi chút. Theo quan điểm của ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Công ty LCTV Investment, việc sửa đổi Nghị định 65 không thay đổi hoàn toàn cục diện trên thị trường mà chỉ giúp các doanh nghiệp có thêm khoảng thời gian nhất định trong việc cơ cấu dòng tiền.
Trước đây, trái phiếu bất động sản hoặc trái phiếu doanh nghiệp phát hành và sử dụng sai mục đích buộc phải mua lại. Hiện tại, dự thảo sửa đổi có thể kéo giãn thời hạn trả nợ thêm 2 năm tới đầu năm 2024. Nhờ đó, các "ông chủ" có thêm thời gian để thu xếp nguồn vốn giải tỏa áp lực trong ngắn hạn. Đồng thời, dự thảo cũng cho phép đàm phán với trái chủ thay vì trả bằng tiền có thể trả bằng hiện vật giúp áp lực trả nợ cũng giảm xuống.