Sáng nay (4/2), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo. Cùng dự phiên họp này có Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Phó Trưởng ban Trường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương là thành viên Ban Chỉ đạo.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm 2 nhà máy, trong đó mỗi nhà máy gồm 2 tổ máy. Theo đó, Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Nhà máy Ninh Thuận 2 được đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá phát triển điện hạt nhân và xây dựng nhà máy điện hạt nhân là vấn đề lớn, đại sự quốc gia, vấn đề khó, nhạy cảm, do đó cần có sự tập trung, đầu tư công sức, trí tuệ tương xứng, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và cần thiết thành lập Tổ công tác, tổ giúp việc chuyên trách giúp Ban Chỉ đạo.
Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu kế hoạch phải xác định rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm, từng mốc thời gian phải hoàn thành những công việc cụ thể, từ đó bám sát lộ trình, đồng thời hàng tháng họp kiểm điểm từng nhiệm vụ để việc triển khai bảo đảm tiến độ, hiệu quả.
EVN, Petrovietnam được giao làm chủ đầu tư 2 dự án nhà máy điện hạt nhân
Đặc biệt, Thủ tướng giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) làm chủ đầu tư của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Ngoài ra, về việc lựa chọn đối tác nước ngoài tham gia dự án này, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Bộ Chính trị; yêu cầu EVN, Petrovietnam và các cơ quan ngay trong tháng 2 tới cử đoàn công tác đàm phán với các đối tác nước ngoài và chú ý phải có đối tác dự phòng để sẵn sàng trong mọi tình huống.
Về quy mô, công suất, tổng mức đầu tư các nhà máy được xác định trên cơ sở đàm phán với các đối tác và cập nhật phù hợp với tình hình mới, từ đó cấp có thẩm quyền sẽ xem xét và quyết định.
Về nhân lực, Thủ tướng yêu cầu cần phải khẩn trương rà soát, tập hợp những người đã được đào tạo trong lĩnh vực điện hạt nhân và các lĩnh vực liên quan, đào tạo bổ sung và có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn nhân lực, trong đó cần chú ý người tổng chỉ huy và tổng công trình sư của dự án.
EVN và Petrovietnam vừa đạt doanh thu khủng
EVN và Petrovietnam được coi là hai trong số những tập đoàn năng lượng hàng đầu Việt Nam hiện nay. Trước khi được giao làm chủ đầu tư cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, hai tập đoàn này có kết quả kinh doanh rất ấn tượng trong năm qua.
Cụ thể, theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, EVN công bố doanh thu hợp nhất ước đạt 575.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu của công ty mẹ EVN ước đạt là 480.662 tỷ đồng. Ngoài ra, giá trị nộp ngân sách của tập doàn ước đạt 25.000 tỷ đồng, bằng 101% so với năm trước đó.
Về phía Petrovietnam, 2024 là năm thứ 3 liên tiếp tập đoàn này phá kỷ lục về doanh thu vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19 (năm 2019) và tương đương với khoảng 9% tổng GDP của cả nước. Tập đoàn đã nộp ngân sách Nhà nước 165.000 tỷ đồng, tăng trưởng 52% so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, 2024 cũng là năm đầu tiên Petrovietnam đạt được kỷ lục toàn diện về những chỉ tiêu tài chính, tăng trưởng cao hơn so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Theo đó, doanh thu hợp nhất của Petrovietnam trong năm 2024 đạt 601 nghìn tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2023; doanh thu Công ty mẹ - Tập đoàn đạt 270 nghìn tỷ đồng, tăng 237% và lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ - Tập đoàn đạt 35,1 nghìn tỷ đồng, tăng 45%. Lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn trong năm qua tiếp tục duy trì đạt trên 2,3 tỷ USD/năm.
Chính nhờ kết quả này đã góp phần giúp Petrovietnam hoàn thành sớm được kế hoạch sản xuất - kinh doanh 5 năm (giai đoạn 2021 – 2025), vượt từ 6 – 32%. Trong đó, đáng chú ý là tổng doanh thu của Petrovietnam đạt 3,5 triệu tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch 5 năm, đạt mức tăng trưởng 16,7%/năm; tổng nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 599.000 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch 5 năm, tăng trưởng 21,2%/năm. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của tập đoàn đạt trên 238 nghìn tỷ đồng sau 4 năm, với mức tăng trưởng trên 44,3%/năm.
Về tiến độ của dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Thủ tướng nêu rõ, phải rút ngắn thời gian hoàn thành dự án so với dự kiến trước đây, chậm nhất tới 31/12/2031 phải hoàn thành và phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2030 vào dịp kỷ niệm 85 năm thành lập nước, 100 năm thành lập Đảng. Do đó, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải xây dựng đường găng tiến độ theo mục tiêu này.