Với cuốn sách này, trường phái đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đã được khẳng định và giải thích rõ ràng. Cuốn sách ngay lập tức được các nhà ngoại giao trên thế giới tìm kiếm, nhất là những nhà ngoại giao quan tâm đến Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á…
Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trường phái đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện nay rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam": gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển.
Tổng bí thư lý giải "vững ở gốc" là nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc để phục vụ, độc lập - tự chủ trong đường lối đối ngoại, lấy thực lực làm gốc; "Chắc ở thân" là những phương thức tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đoàn kết là nhân tố sống còn. Sức mạnh của Việt Nam còn ở tính chính danh, chính nghĩa, cách ứng xử nhân văn, thủy chung, thượng tôn pháp luật và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại; "Uyển chuyển ở cành" là phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt, nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến", đặc biệt trong các hoàn cảnh khó khăn, có sự phức tạp giữa những xu thế khác nhau, giữa đòi hỏi phải hài hòa cái chung và cái riêng.
Thực tiễn thời gian qua đã chứng minh đường lối đối ngoại, ngoại giao mang bản sắc "cây tre Việt Nam" đem lại nhiều thành tựu quan trọng. Với trường phái đối ngoại này Việt Nam từ một nước bị bao vây và cấm vận đã mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ. Trong số này có 3 nước quan hệ đặc biệt, 5 nước Đối tác chiến lược toàn diện, 13 nước Đối tác chiến lược và 12 nước Đối tác toàn diện.
Trước những biến chuyển lớn của thời đại, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam càng thể hiện rõ bản sắc "cây tre Việt Nam".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đường lối đối ngoại, ngoại giao mang bản sắc "cây tre Việt Nam" càng được khẳng định tính hiệu quả khi ngay trong năm 2023 hai vị lãnh đạo của hai cường quốc hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đến Việt Nam.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tháng 9/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam thực hiện đường lối quốc phòng "bốn không". Đối với các tình hình phức tạp và xung đột quốc tế, Việt Nam mong muốn các bên đối thoại, giải quyết hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: Việt Nam vui mừng nhận thấy kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, đặc biệt là sau khi xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2013, quan hệ đã có bước phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất, hiệu quả. Trên những cơ sở quan trọng nêu trên, vì lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác nhằm các mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, Việt Nam hoan nghênh việc hai nước xác lập quan hệ ở tầm cao mới là Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Tại cuộc hội đàm cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại cũng như đường lối quốc phòng “bốn không”; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược; ủng hộ nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa phát triển lớn mạnh, đóng góp ngày càng quan trọng hơn vào sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Trở lại cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam"” cho thấy đường lối ngoại giao đúng đắn đang được Việt Nam lựa chọn. Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ từ thực tiễn vừa qua, có 5 bài học kinh nghiệm được rút ra, trong đó "bài học bao trùm và bất biến là luôn luôn bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước đối với công tác đối ngoại, ngoại giao".