Phiên đảo chiều tăng khá tốt ngay trước kỳ nghỉ Lễ đem đến nhiều kỳ vọng về cơ hội phục hồi sau đó. Song trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng trên, thị trường vẫn “xịt hơi” trong hai phiên cuối tuần. Biến số lớn nhất tác động đến tâm lý thị trường vẫn là động thái của Fed.
Dù mức tăng 0,25% đã được thị trường dự đoán trước, song Fed vẫn để ngỏ hành động tiếp theo khi lạm phát vẫn neo cao và thị trường việc làm duy trì mức tốt. Đặc biệt, việc cơ quan này bác bỏ khả năng giảm lãi suất trong năm 2023 cũng khiến giới đầu tư thất vọng.
Các chuyên gia nghiêng về khả năng lãi suất của Fed đã đạt đỉnh và sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn thị trường vẫn khó bứt phá, chủ yếu sideway trong biên độ hẹp. Cơ bản là khó có yếu tố rủi ro bất ngờ nào khiến thị trường giảm sâu, nhưng cũng không có gì để kích thích thị trường phá vỡ tình thế đi ngang khó chịu đang có.
Thị trường tiếp tục xu hướng giằng co
Bà Nguyễn Thị Thảo Như - Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt: Trong hai phiên cuối tuần, thị trường đã duy trì trạng thái “sideway” với giá trị giao dịch thấp và biên độ biến động nhỏ. Điều này cho thấy nhà đầu tư hiện tại đang có tâm lý thận trọng và dè dặt trong việc ra quyết định đầu tư. Họ đang cẩn trọng và mong muốn quan sát thêm các diễn biến vĩ mô trong và ngoài nước trước khi đưa ra quyết định tiếp theo.
Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay, biên độ giao động của thị trường có xu hướng thu hẹp trong bối cảnh yếu tố vĩ mô đang bất ổn và tâm lý thị trường vẫn còn yếu. Với bối cảnh hiện nay, khả năng cao là thị trường sẽ tiếp tục duy trì trạng thái sideway với biên độ hẹp trong tuần giao dịch tới. Trên phương diện kỹ thuật, để xác nhận xu hướng mới, thị trường cần thêm những phiên giao dịch bức phá cả về giá trị và khối lượng.
Về động thái của Fed, tôi nghĩ chưa có gì chắc chắn rằng đợt tăng lãi suất này sẽ là đợt tăng lãi suất cuối cùng trong năm nay của Fed. Trong biên bản cuộc họp ngày 3/5, Fed nhấn mạnh về mục tiêu tối đa hóa tỷ lệ việc làm và duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức 2% trong dài hạn. Có thể thấy Fed đang đánh đổi giữa rủi ro suy thoái của nền kinh tế với việc ưu tiên kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, nhìn vào xu hướng lạm phát ở Mỹ từ lúc đạt đỉnh ở mức 9,1% vào tháng 6/2022 đã giảm dần xuống mức 5% vào tháng 4/2023, có thể kì vọng rằng xu hướng tăng lãi suất đang gần đến hồi kết. Đấy là một điểm sáng tích cực đối với thị trường chứng khoán toàn cầu, cũng như Thị trường chứng khoán Việt Nam. Và như vậy, nhà đầu tư có thể đặt kỳ vọng tích cực vào thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn.
Hiện tại, tâm lý nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại vẫn còn khá dè dặt và thận trọng. Và với sự ảm đạm của kết quả kinh doanh Quý 1/2023, chúng ta khó có kỳ vọng vào sự tăng trưởng hay bức phá của thị trường trong ngắn hạn. Do đó, sức ép “Sell in May” là có. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm tỏa sáng cho những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng và là cơ hội cho nhà đầu tư tiếp tục tích lũy những cổ phiếu có tiềm năng trong trung và dài hạn.
Định giá không còn quá hấp dẫn sau mùa KQKD
(Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty CPCK VNDIRECT)
Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tương đối thận trọng trong bối cảnh FED tăng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp đầu tháng 5, Mỹ đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng trần nợ công và hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn chưa thực sự ổn định khi có thêm một số ngân hàng nữa lâm vào tình cảnh khó khăn.
Trong nước, mùa KQKD Quý 1/2023 kém tích cực đã được dự báo từ trước, tuy nhiên, vẫn gây áp lực nhất định tới thị trường. Cụ thể, theo thống kê tính đến ngày 4/5, lợi nhuận toàn thị trường giảm khoảng 17,5% so với cùng kỳ (quý 4 lợi nhuận toàn thị trường giảm 31%).
Lợi nhuận sụt giảm kéo mặt bằng định giá của thị trường tăng nhẹ, P/E của chỉ số VN-Index hiện ở mức 12,3 lần, là mức hợp lý nếu so với mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hiện nay là khoảng 7,5%.
Trong bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều bất ổn và định giá thị trường chưa thực sự quá hấp dẫn thì nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục xu thế đi ngang hoặc điều chỉnh nhẹ trong nửa đầu tháng 5.
Nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên mở mới vị thế mà tiếp tục quan sát. Chỉ mua mới với tỷ trọng nhỏ khi chỉ số VN-Index về vùng hỗ trợ mạnh 1.000-1.030 điểm và thuộc những cổ phiếu hiện đang khỏe hơn thị trường chung, ví dụ như nhóm đầu tư công, chứng khoán, năng lượng.
Tập trung những nhóm ngành hưởng lợi từ chính sách vĩ mô
(Ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco)
Về diễn biến VN-Index trong 2 phiên cuối tuần, tôi nhận thấy thị trường vẫn tiếp tục giữ trạng thái thận trọng khi các nhà đầu tư quốc tế lo ngại nguy cơ suy thoái xuất hiện sau sự kiện các ngân hàng Mỹ gần đây, trong khi các doanh nghiệp trong nước đang công bố dần số liệu KQKD Quý I kém sắc.
Hơn nữa, thông thường nhà đầu tư cũng ít chú ý tới diễn biến thị trường hơn trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ để tránh tâm lý chờ đợi (ví dụ thứ 5 mua cổ phiếu thì tới thứ 2 cổ phiếu mới về tài khoản). Do đó thanh khoản trong 2 phiên này không có sự bùng nổ. Mặc dù vậy, mức điểm số vẫn được duy trì trên mốc hỗ trợ 1.030 điểm, do đó có thể thấy áp lực bán giai đoạn này nhìn chung không còn lớn và đây vẫn sẽ là mốc điểm số quan trọng trong ngắn hạn.
Về xu hướng thị trường trong tuần giao dịch tới, tôi kỳ vọng sự giằng co sẽ sớm kết thúc khi Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm phục hồi nền kinh tế. Tuy vậy, không ngoại trừ khả năng VN-Index vẫn có thể dao động trong biên độ 1.030-1.050 điểm bởi tín hiệu vĩ mô thường phải có thời gian để thẩm thấu vào kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Việc tăng lãi suất của FED trong giai đoạn vừa qua đã giúp lạm phát hạ nhiệt đáng kể so với mức đỉnh (từ 9,1% trong tháng 6/2022 xuống 5% vào tháng 3/2023 vừa qua, ghi nhận tháng giảm thứ 9 liên tiếp), đạt được 1 mục tiêu là kìm hãm lạm phát.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Mỹ thời gian này lại gặp nhiều khó khăn, thể hiện qua sức cầu yếu, kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp suy giảm. Dù rắc rối từ ngân hàng Mỹ đang ngày càng lan rộng, nhưng những rắc rối này sẽ không có nhiều tác động tới thị trường trong nước, do bản chất các ngân hàng bị ảnh hưởng đều là ngân hàng khu vực, phục vụ khách hàng trên thị trường Mỹ và không phục vụ sang các quốc gia khác.
Vì vậy, tôi cho rằng đây sẽ là đợt tăng lãi suất cuối cùng của FED. Mặc dù vậy, nhà đầu tư sẽ chú ý hơn vào việc bao giờ FED đảo chiều hạ lãi suất – điều này theo tôi sẽ chưa tới trong thời gian gần. Có một số lý do (1) Mặc dù kìm hãm được lạm phát, song FED vẫn chưa đưa lạm phát về mục tiêu dài hạn là 2% và FED rất ưu tiên việc này khi thực hiện điều hành lãi suất, (2) Vấn đề tại các ngân hàng Mỹ nhìn chung đều được xử lý kịp thời và không ảnh hưởng nhiều tới các quyết định điều hành của FED.
Xét bối cảnh trong nước, Ngân hàng Nhà nước hiện đang có nhiều dư địa để điều hành lãi suất hơn do đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ sớm hơn. Về mức độ tác động tới TTCK, tôi cho rằng cần quan tâm tới yếu tố hạ lãi suất của NHNN. Mặc dù NHNN đã thực hiện giảm lãi suất song vẫn đang ở mức cao và thường phải có thời gian thẩm thấu. Vì vậy, nếu FED không tiếp tục tăng lãi suất, tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ có phản ứng tích cực, ít nhất là trong trung – dài hạn.
Do đó, tôi kỳ vọng dòng tiền từ khối NĐT cá nhân sớm trở lại khi (1) Các thông tin về Chính sách mới ban hành dần thẩm thấu vào hoạt động doanh nghiệp, (2) Lượng margin trong Q1/2023 tại các CTCK đã giảm khá nhiều so với giai đoạn đỉnh (-20% so với cùng kỳ và -40% so với đỉnh). Hiện tại nhà đầu tư nên lưu ý nhiều hơn vào các ngành nghề được hưởng lợi từ những chính sách vĩ mô mới ban hành gần đây cũng như những nhóm ngành có khả năng đảo chiều từ mức nền thấp cùng kỳ.