Sau 3 tháng suy giảm, chỉ số Quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực không liên quan đến sản xuất - thước đo chính về hoạt động của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - đã vượt dự báo và tăng lên 54,7 điểm trong tháng 6/2022.
Số liệu này có sự cải thiên lớn so với mức 47,8 điểm trong tháng 5/2022.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2, chỉ số này cao hơn 50 điểm, qua đó phản ánh xu hướng tăng trưởng sau khi nhà chức trách nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan đến Covid-19 tại các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh.
Theo chuyên gia của NBS, trong bối cảnh công tác kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh có dấu hiệu cải thiện, chính phủ đẩy nhanh việc triển khai gói chính sách nhằm bình ổn kinh tế, xu hướng phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang trên đà tăng tốc.
Cụ thể, hoạt động kinh doanh của của các lĩnh vực công nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19 như vận tải hàng không, đường sắt đã mạnh lên trong tháng 6/2022.
Sản xuất, nhu cầu và thời gian giao hàng đều cải thiện rõ rệt.
Chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất đã tăng lên 50,2 điểm, đúng như kỳ vọng của các nhà phân tích, cao hơn so với mức 49,6 điểm trong tháng 5/2022.
Chỉ số phụ về sản xuất tăng 3,1 điểm % so với tháng trước lên 52,8 điểm, trong khi chỉ số phụ về đơn hàng mới tăng 2,2 điểm % lên 50,4 điểm.
Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới vẫn theo đuổi chiến lược "Zero Covid" thông qua việc áp đặt các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm quy mô lớn nhằm đẩy lui dịch bệnh.
Công ty nghiên cứu thị trường Moody's Analytics nhận định sẽ mất thời gian để sản xuất phục hồi lại như bình thường, khi tình trạng thiếu hụt lao động làm chậm lại hoạt động sản xuất tại một số nhà máy, ngành logistics phải chịu nhiều áp lực do vận chuyển hàng hóa tại các cảng lớn đều đang bị ùn tắc.