Giám đốc Mekong Capital tuyên bố sẽ “khắt khe” hơn trong năm 2024

Tri Túc | 14:09 04/04/2024

Trong bối cảnh chi phí vốn đắt đỏ hơn, Mekong Capital sẽ ưu tiên các đơn vị có dòng tiền bền vững, có lợi nhuận và có mô hình kinh doanh tốt.

Giám đốc Mekong Capital tuyên bố sẽ “khắt khe” hơn trong năm 2024

Được biết đến là một trong những công ty quản lý quỹ thành công nhất trong lĩnh vực Private Equity tại Việt Nam, Mekong Capital vừa có tổng kết tình hình đầu tư năm qua với nhiều điểm tích cực. Bất chấp toàn thị trường khó khăn, nhiều đơn vị trong danh mục đầu tư của quỹ tăng trưởng mạnh.

Phải kể đến LiveSpo - công ty sức khỏe tiêu dùng chuyên sản xuất và bán các sản phẩm bào tử lợi khuẩn dạng lỏng để cải thiện sức khỏe tiêu hóa và tăng cường chức năng hô hấp - với doanh thu thuần tăng 79% so với cùng kỳ.

Hay Marou - là một công ty sản xuất sô cô la cao cấp - ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ròng 75% so với cùng kỳ năm trước vào năm 2023. Trong quý 4, công ty mở rộng mạng lưới bán lẻ tại Việt Nam với 3 cửa hàng mới tại Tp.HCM, Đà Nẵng và Hội An.

Tăng trưởng 2 chữ số còn có Gene Solutions – doanh thu tăng 46% so với năm 2022 - chủ yếu được thúc đẩy bởi 44% tăng trưởng về số lượng mẫu xét nghiệm thông qua mạng lưới hơn 2.670 bệnh viện và phòng khám ở Việt Nam và các nước khác ở thị trường Đông Nam Á.

Trước đó, Mekong Capital còn được nhắc nhiều khi là “bàn tay vàng” thai nghén cho loạt công ty doanh thu tỷ USD hiện nay như Thegioididong, Masan Group…

Việt Nam chỉ có 3 thương vụ IPO trong năm 2023 – thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Indonesia

Ông Chad Ovel – Giám đốc Mekong Capital – chia sẻ: 2023 là một năm khó khăn đối với Việt Nam. Lần đầu tiên chúng ta chứng kiến sự suy giảm về xuất khẩu trong thời gian dài, từ đó gây ảnh hưởng dây chuyền đến loạt ngành nghề liên quan khác.

Chưa kể, năm qua thị trường bất động sản cũng có nhiều biến động, chính sách còn nhiều vướng mắc.

Ở thị trường tài chính, trong năm qua cũng chỉ có 3 thương vụ IPO diễn ra tại Việt Nam với giá trị rất thấp, con số này rất nhỏ khi so với các thị trường lân cận như Thái Lan, Indonesia. Tốc độ phê duyệt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước một phần cũng tác động đến toàn thị trường”.

Sang năm 2024, ông Chad dự báo tích cực hơn, thông qua 2 tín hiệu gồm:

Thứ nhất, sự phục hồi của xuất khẩu, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp như thời trang, giày dép và nội thất - những ngành tạo việc làm cho hàng triệu công nhân.

Thứ hai, lãi suất vay vốn cho người tiêu dùng đang giảm. Điều này sẽ thúc đẩy người dân chi tiêu trở lại, không chỉ ở mặt hàng thiết yếu mà các mặt hàng giá trị lớn khác như ô tô, nhà cửa…

Giám đốc Mekong Capital đặc biệt lạc quan với lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Theo ông, Việt Nam nằm ở vị trí rất thuận lợi để tiếp nhận sự chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc, từ đó nhu cầu về đất và dịch vụ khu công nghiệp ngày càng tăng. Ngoài ra, nhóm công ty tiêu dùng, bán lẻ sản phẩm tiêu dùng cũng được ông Chad nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu phục hồi.

Dù vậy, vẫn có nhiều thách thức.

“Lĩnh vực tôi vẫn lo lắng là bất động sản nhà ở. Chúng tôi vẫn chưa thấy được sự gia tăng nào đáng kể, dù Chính phủ đã và đang nỗ lực tháo gỡ các vấn đề pháp lý liên quan đến nhiều dự án. Cho đến khi điều này được giải quyết, tôi tin rằng nhiều người tiêu dùng còn rất ngần ngại trong việc quay lại thị trường bất động sản”, vị này nhấn mạnh.

Trong quá khứ, Mekong từng đầu tư vào bất động sản, bao gồm Nam Long (mã chứng khoán NLG) và Intresco. Hiện, danh mục đầu tư của Mekong Capital chỉ còn một "proptech" là Rever - công ty công nghệ trong lĩnh vực môi giới bất động sản. 

“Khẩu vị” của Mekong Capital

Trong bức tranh dự báo tốt xấu đan xen, Mekong Capital tiếp tục chiến lược đầu tư dài hạn, hướng đến sự tăng trưởng lâu dài của mình. Có một điều khác theo ông Chad là năm nay quỹ sẽ lựa chọn kỹ lưỡng hơn. Trong bối cảnh chi phí vốn đắt đỏ hơn, Mekong Capital sẽ ưu tiên các đơn vị có dòng tiền bền vững, có lợi nhuận và có mô hình kinh doanh tốt.

Đơn cử, LiveSpo lần đầu tiếp cận Mekong Capital thì họ đã có 5 sản phẩm probiotic chủ lực đang bán trong ngoài nước. Công ty lúc này cũng đang hoạt động rất tốt, và Mekong Capital nhìn thấy được cơ hội rõ ràng để mở rộng.

Mekong Capital cũng đặc biệt chú trọng vào yếu tố con người khi quyết định đầu tư, đặc biệt là tư duy cũng như phẩm chất của người lãnh đạo. “Lý do tôi nhấn mạnh điều này là Việt Nam đang có một thế hệ CEO tài năng và giỏi giang hơn so với chỉ 2 năm trước đây. Một công ty có đội ngũ lãnh đạo tốt thì mới có khả năng thu hút và giữ chân được nhân tài. Người lãnh đạo tốt còn thể hiện là người sẵn lòng thử nghiệm và dám thất bại”, ông Chad nói.

Tương tự, Gene Solutions cũng đã phát triển được sản phẩm phổ biến và sinh lời là Phương pháp xét nghiệm không xâm lấn cho sản phụ. Việc Mekong Capital cần làm là đầu tư vốn và giúp họ liên tục khám phá góc nhìn mới, cách làm mới để nhân rộng quy mô hoạt động, qua đó hiện thực hóa tầm nhìn của họ.

Chưa kể, cả hai đội ngũ lãnh đạo tại LiveSpo hay Gene Solutions đều là nhóm các nhà khoa học sẵn sàng nghiên cứu và thử nghiệm các sản phẩm mới. Điều này theo ông Chad không hề thấy ở Việt Nam 10 năm về trước. Lúc đó, theo ông Chad, một công ty dược phẩm trong nước chỉ đơn giản lấy một công thức nào đó có sẵn từ một nhà máy ở Ấn Độ và sao chép nó, không hề có sự nghiên cứu và phát triển cái gì mới.

Entobel - công ty sản xuất loại protein từ côn trùng – là một ví dụ khác cho tiêu chí “dám thử” của Mekong Capital. Trước Entobel, ở Malaysia và Pháp đã có 3-4 công ty chứng minh rằng bạn có thể nuôi cấy ruồi đen và chuyển đổi thành protein, dầu hoặc bột…; Mekong Capital do đó có đủ thông tin về mô hình này để hạn chế rủi ro khi đầu tư vào mô hình hoàn toàn mới.

Hơn hết, Entobel khi gọi vốn cũng đã phát triển được nhà cũng như có dây chuyền sản xuất. Thậm chí, công ty này đã có doanh thu do đó đã “thuyết phục” được Mekong Capital.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giám đốc Mekong Capital tuyên bố sẽ “khắt khe” hơn trong năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO