Giám đốc chuyển khoản nhầm hơn 872 triệu đồng, đối phương đồng ý trả lại nhưng bị tòa án ngăn cản: "Chuyện không đơn giản như vậy"

Ánh Lê | 13:48 28/07/2024

Vì một sơ suất khi chuyển khoản, giám đốc Trung Quốc vướng vào một rắc rối không đáng có.

Giám đốc chuyển khoản nhầm hơn 872 triệu đồng, đối phương đồng ý trả lại nhưng bị tòa án ngăn cản: "Chuyện không đơn giản như vậy"

Tháng 9 năm 2017, giám đốc La và giám đốc Trần ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, cùng hợp tác làm ăn. Đến tháng 2 năm 2018, sau khi dự án thành công, giám đốc La tiến hành chuyển khoản thanh toán 250.000 NDT (hơn 872 triệu đồng) cho giám đốc Trần. Tuy nhiên trong lúc thực hiện giao dịch, giám đốc La đã nhầm số tài khoản của giám đốc Trần với một đối tác cùng tên khác nên đã chuyển khoản nhầm.

Để giải quyết vấn đề này, giám đốc La đã nhanh chóng liên hệ và giải thích sự việc với đối tác họ Trần. Sau khi nắm rõ sự việc, đối phương cũng thông cảm và tỏ ý sẵn lòng trả lại số tiền mà giám đốc La đã chuyển nhầm. Cứ ngỡ chuyện này sẽ kết thúc tại đây, thế nhưng khi cả hai cùng đến ngân hàng địa phương để lấy lại tiền, họ lại nhận được một tin sốc.

Theo đó, giao dịch viên cho biết tài khoản của anh Trần đã bị tòa án địa phương yêu cầu phong tỏa trước đó không lâu. Do đó, họ không thể giải quyết vụ chuyển tiền nhầm tài khoản của cả hai. Thấy vậy, giám đốc La và anh Trần lại tức tốc đến Tòa án thành phố Thẩm Dương để làm rõ sự việc trên. Tại đây, anh Trần chết lặng khi biết được nguyên nhân tài khoản của mình bị phong tỏa là vì bị chủ nợ khởi kiện.

Giam đôc chuyên khoan nhâm 872 triêu đông, đôi phương đông y tra lai nhưng bi toa an ngăn can:

Ảnh minh họa: Sina

Hóa ra trước đó khá lâu, anh Trần có vay người khác khoảng 400.000 NDT ( khoảng 1,4 tỷ đồng) để làm ăn. Tuy nhiên vì kinh doanh thua lỗ, người này chưa thể trả khoản nợ trên dù đã đến hạn phải thanh toán. Chủ nợ không đợi thêm được nữa nên đã kiện anh ra tòa. Thật không may, tài khoản của anh Trần lại bị đóng băng ngay sau khi nhận được số tiền gửi nhầm của giám đốc La. Do đó, sự việc chuyển nhầm tiền này vẫn chưa thể giải quyết ngay được.

Cảm thấy có lỗi với giám đốc La, anh Trần xin tòa án địa phương tạm thời hủy bỏ lệnh phong tỏa tài khoản để trả lại tiền chuyển nhầm cho đối phương. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị thẩm phán tòa án thành phố Thẩm Dương bác bỏ kèm theo lời giải thích: "Sự việc không đơn giản như các anh nghĩ đâu".

Thẩm phán tòa án thành phố Thẩm Dương phân tích: Về mặt pháp lý, sau khi chuyển khoản nhầm, số tiền của giám đốc La đã đổi chủ. Như vậy, giám đốc La - chủ nhân cũ của số tiền này có quyền chủ nợ đối với anh Trần. Nếu giám đốc La muốn lấy lại số tiền trên thì phải dùng các kênh hợp pháp khởi kiện anh Trần và yêu cầu người này trả lại tiền.

Trong trường hợp anh Trần có nhiều khoản nợ, giám đốc La cũng được hưởng quyền của chủ nợ, ngang bằng với quyền của các chủ nợ khác. Khoản nợ 400.000 NDT của anh Trần trước đó chưa được trả cũng được tính là khoản nợ chung. Trong quá trình thi hành án, chủ nợ nào yêu cầu tịch thu, phong tỏa trước sẽ được xử lý trước.

Sau khi trao đổi kỹ càng, giám đốc La làm theo lời khuyên của thẩm phán và khởi kiện anh Trần ra tòa, yêu cầu đối phương trả lại số tiền 250.000 NDT đã chuyển nhầm. Vụ kiện này được Tòa án thành phố Thẩm Dương tiếp nhận và tiến hành xét xử. Kết quả, tòa tuyên án anh Trần phải trả lại tiền cho giám đốc La. Tuy nhiên, vì tài chính của anh Trần đang trong giai đoạn khủng hoảng, do đó, giám đốc La vẫn chưa thể nhận được tiền ngay.

Trong trường hợp khoản nợ 400.000 NDT của anh Trần vẫn chưa được giải quyết hoặc tòa án chưa thi hành án thì giám đốc La có thể nộp đơn xin tham gia phân chia để có thể nhận trước một phần nhỏ của số tiền 250.000 NDT đã chuyển nhầm.

Hiện nay, giao dịch chuyển tiền online qua ứng dụng ngân hàng hay qua ATM đã trở nên rất phổ biến với người dùng. Dù những giao dịch trực tuyến rất tiện lợi và nhanh chóng, thế nhưng vẫn có một số trường hợp chuyển khoản nhầm vì không kiểm tra thông tin cẩn thận trước khi gửi. Để hạn chế tình trạng này, khách hàng cần lưu ý nhập đúng thông tin số tài khoản, kiểm tra kỹ lại thông tin trước khi chuyển khoản hoặc quét mã QR để giảm thiểu những rủi ro hay vướng vào những rắc rối như câu chuyện trên.

(Theo Sina)


(0) Bình luận
Giám đốc chuyển khoản nhầm hơn 872 triệu đồng, đối phương đồng ý trả lại nhưng bị tòa án ngăn cản: "Chuyện không đơn giản như vậy"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO