Giám đốc Chứng khoán DSC: Nhà đầu tư không nên quá lo lắng về những nhịp điều chỉnh của thị trường

Dương Ngọc | 15:22 29/10/2024

Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia đánh giá, việc thị trường giằng co trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang có những thông tin tích cực hỗ trợ cho thị trường như vậy sẽ tạo ra những cơ hội tốt cho các nhà đầu tư dài hạn để nắm giữ cổ phiếu với giá hợp lý, đón đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Giám đốc Chứng khoán DSC: Nhà đầu tư không nên quá lo lắng về những nhịp điều chỉnh của thị trường

BTV Mùi Khánh Ly: Nền kinh tế đang trong quý cuối cùng của năm 2024, giai đoạn nước rút để hoàn thành các mục tiêu của năm, ông đánh giá như thế nào về nền kinh tế hiện nay và khả năng hoàn thành mục tiêu?

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP Hồ Chí minh, Công ty CP Chứng khoán DSC: Có thể thấy, quá trình phục hồi kinh tế vẫn diễn ra hết sức tích cực. Và mặc dù vẫn còn những khó khăn và phải đối mặt với cơn bão Yagi nhưng chúng ta đã nhanh chóng khắc phục và không bị ảnh hưởng quá nhiều tới con số tăng trưởng, GDP quý III/2024 vẫn tăng 7,4%, vượt xa nhiều dự báo.

Tuy nhiên, có một vài biến số mà chúng ta cũng cần lưu tâm, đó là về đầu tư công khi giải ngân chưa được 50% so với kế hoạch thì đây là con số chưa thực sự là tích cực. Cùng với đó là việc USD liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây, mặc dù là FED đã thực hiện giảm lãi suất, đây là một yếu tố bất ngờ mà chúng ta cần theo dõi.

Còn đi sâu vào các các ngành nghề trong nền kinh tế hiện nay đang hoạt động kinh doanh như thế nào, dưới số liệu của 3 quý đầu năm và dự báo quý IV sẽ ra sao, thưa ông?

Các nhóm ngành được hưởng lợi theo sự phục hồi của nền kinh tế như nhóm ngành tài chính bao gồm ngân hàng, chứng khoán hay nhóm ngành bán lẻ, nhóm ngành tiêu dùng không thiết yếu có đà phục hồi, lợi nhuận vẫn tương đối tích cực.

Theo số liệu của Fiinpro, tính đến ngày 26/10/2024 đã có 642 doanh nghiệp niêm yết (đại diện 31,7% vốn hóa toàn thị trường) công bố kết quả kinh doanh Quý III, bao gồm 10/27 ngân hàng, 31/35 công ty chứng khoán và 594/1483 doanh nghiệp phi tài chính. Tổng lợi nhuận sau thuế quý III/2024 của 642 Doanh nghiệp đã công bố tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn mức tăng 27,4% của quý II do nền so sánh cao.

Tuy nhiên, các kết quả kinh doanh này đã không làm chúng ta bất ngờ, bởi những thông tin tích cực này đã phản ánh vào giá trước đó rồi, cho nên đến khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh thì trong khoảng một, hai tuần vừa qua thị trường lại phản ứng tương đối tiêu cực.

Nhìn vào quý IV/2024 , theo cá nhân tôi, lãi suất đang ở mức tương đối thấp và các chính sách hỗ trợ vẫn đang được đẩy mạnh thì nền kinh tế sẽ vẫn tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải lưu ý rằng đến cuối năm 2024 khi thông tư 02 sẽ chính thức hết hiệu lực, khi đó các khoản mục nợ xấu của nhóm ngành ngân hàng có thể lộ diện rõ ràng hơn. Và đối với các ngân hàng mà có tỷ lệ nợ xấu cao thì kết quả kinh doanh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, đó là một trong những yếu tố mà chúng ta cần lưu ý.

Tuy nền kinh tế có những diễn biến tích cực, và triển vọng nâng hạng đang đến rất gần, nhưng chúng ta đã thấy thị trường liên tục có những phiên giao dịch giằng co khiến nhà đầu tư chùn bước và hoài nghi về việc thị trường có thể chinh phục đỉnh cũ 1.300 điểm một cách vững chắc, vì sao?

Ngưỡng 1.300 điểm có thể nói là một ngưỡng ám ảnh đối với các nhà đầu tư. Nếu nhìn vào động lực của thị trường giá lên, thì trên thế giới như chúng ta đã biết trước cuộc bầu cử ở bên Mỹ, thị trường diễn biến rất tích cực, tuy nhiên, gần bước vào cuộc bầu cử thị trường có vẻ như chững lại, chờ các tín hiệu tiếp theo.

Đồng thời, chúng ta thấy đồng USD là một yếu tố rất bất ngờ khi chúng ta đều dự đoán rằng việc FED hạ lãi suất sẽ giúp đồng USD hạ nhiệt nhưng thực tế tỷ giá trong những ngày vừa qua lại rất căng.

Còn trong nước, chúng ta kỳ vọng vào đà phục hồi của nền kinh tế và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng không hề tiêu cực nhưng cũng không có quá nhiều bất ngời khiến thời điểm này, chúng ta đang rơi vào vùng trũng thông tin. Nếu theo dõi qua các năm, chúng ta cũng sẽ thấy tháng 10, tháng 11 năm nào cũng sẽ là vùng trũng thông tin.

Vậy nhà đầu tư nên có chiến lược như thế nào trong giai đoạn này?

Theo tôi, nếu là nhà đầu tư dài hạn, tôi vẫn giữ một thái độ tương đối lạc quan về đà phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế trong thời gian tới.

Chúng ta không cần phải quá lo lắng bởi những nhịp điều chỉnh như thế này. Chỉ có một vài yếu tố cần theo dõi như tôi vấn đề là Thông tư 02 của NHNN như tôi đã nói ở trên, khi hết hiệu lực sẽ khiến các khoản nợ xấu có thể gia tăng.

Và thứ hai nữa là câu chuyện là đáo hạn trái phiếu, tôi thấy trong tháng 11 và tháng 12 này, khá nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ có khoản trái phiếu đáo hạn, đấy cũng là một điều mà chúng ta cần lưu ý. Sau khi hạ nhiệt nhẹ trong quý III/2024, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trở lại trong quý IV/2024 với ước tính khoảng hơn 76.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, tăng 99,1% so với quý III/2024.

Còn với nhà đầu tư ngắn hạn thì chúng ta thường mong đợi thị trường có sóng, thế nên trong tháng 10, tháng 11, chúng ta sẽ phải thận trọng trong ngắn hạn và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải, chỉ nên mua vào khi thị trường được chiết khấu sâu về các vùng hỗ trợ.

Nhóm ngành tiềm năng trong thời gian tới theo các ông là gì và vì sao?

Đối với các nhóm ngành, ví dụ như nhóm ngành tài chính ngân hàng, nhóm ngành bán lẻ, một số nhóm ngành sản xuất sẽ được hưởng lợi theo đà phục hồi của nền kinh tế. Câu chuyện thứ hai là một số nhóm ngành sẽ hưởng lợi từ xu hướng đẩy mạnh đầu tư công. Và thứ ba là câu chuyện về triển vọng nâng hạng. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhóm ngành cũng không quá khó, mà quan trọng là chúng ta cần xác định được thời điểm mua được mức giá hợp lý nhất.


(0) Bình luận
Giám đốc Chứng khoán DSC: Nhà đầu tư không nên quá lo lắng về những nhịp điều chỉnh của thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO