Giảm dần sự can thiệp của Nhà nước đối với giá xăng dầu

Lê Sáng | 11:19 13/01/2023

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, đang lấy ý kiến nhân dân, Bộ Công Thương đề xuất giảm dần sự can thiệp của Nhà nước đối với giá xăng dầu.

Giảm dần sự can thiệp của Nhà nước đối với giá xăng dầu
Bộ Công Thương đề xuất giảm dần sự can thiệp của Nhà nước đối với giá xăng dầu. Ảnh minh họa

 Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo nói trên là đề xuất thay đổi về công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu. Theo Bộ Công Thương, cách tính này sẽ đưa giá xăng dầu dần về thị trường, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước, bảo đảm phản ánh đủ chi phí thực tế phát sinh của các doanh nghiệp trong giá cơ sở xăng dầu, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Đề xuất thay đổi công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, giá xăng dầu đang được điều hành theo hướng Nhà nước quy định công thức giá cơ sở đầy đủ và giá cơ sở này sẽ làm căn cứ để cơ quan nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước (nhà nước công bố mức giá điều hành như mức giá trần để các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống của doanh nghiệp không cao hơn mức giá bán lẻ nhà nước công bố). Các chi phí này biến động liên tục theo thị trường, trong khi việc rà soát, tính toán của cơ quan nhà nước theo định kỳ nên thường sẽ không phản ánh được thực tế chi phí phát sinh doanh nghiệp phải bỏ ra (trong giai đoạn chi phí tăng cao liên tục, doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ).

Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu cho thị trường có một số bất ổn, một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Công Thương đề xuất Bộ Tài chính phối hợp rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu.

Theo đó, quan điểm của Bộ Công Thương là sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá (có quy định nguyên tắc vận hành của công cụ Quỹ bình ổn giá cụ thể) để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Các doanh nghiệp căn cứ các chi phí thực tế của mình (gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium...) để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp mình, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát (như đối với các mặt hàng bình ổn giá khác theo quy định tại Luật Giá).

Rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống 7 ngày

Về thời gian điều hành/công bố giá, trước đây, theo quy định của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, thời gian điều hành giá xăng dầu giữa 02 kỳ điều hành đã được sửa đổi giảm từ 15 ngày (theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP) xuống 10 ngày (cụ thể điều hành vào các ngày 01, 11, 21 hàng tháng). Khoảng thời gian 10 ngày được các doanh nghiệp nhận định là phù hợp với phương thức tính giá mua bán và nhập hàng của các doanh nghiệp, phù hợp với chu kỳ lấy giá để tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Tổng cục Thống kê… giữ mức ổn định tương đối để thực hiện kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mục tiêu bình ổn thị trường.

Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến của một số đơn vị, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án quy định về điều hành giá xăng dầu như sau: Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành về thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu; Phương án 2: Sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu xuống mức 7 ngày, quy định vào 1 ngày cụ thể trong tuần.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, hiện Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn phương án 2, thời gian giữa 2 kỳ điều hành/công bố giá được giảm từ 10 ngày xuống 07 ngày và quy định vào ngày thứ Năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ.

Lý do nhằm bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Việc điều hành sẽ được thực hiện kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh những việc giá có biến động lớn trong những dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giảm dần sự can thiệp của Nhà nước đối với giá xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO