1.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc
Từ ngày 30/10 – 1/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc, được dư luận hai nước và quốc tế rất quan tâm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, thể hiện sự coi trọng cao độ quan hệ hai Đảng, hai nước. Chuyến thăm tiếp thêm động lực, củng cố tình láng giềng hữu nghị, tăng cường tin cậy chính trị và làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. 13 văn bản hợp tác thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó kinh tế chiếm phần lớn, đã được ký kết trong chuyến thăm lần này.
2.Tăng trưởng GDP cao hơn kế hoạch đề ra trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm
Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam dự kiến 7,5-8%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong gần 25 năm qua (Năm 1997 tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8,15%), vượt xa so với mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và quyết tâm phấn đấu của Chính phủ (6-6,5%). Với con số này tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam đạt tốc độ cao hàng đầu trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Như vậy, ước tính GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 4.000 USD, tạo tiền đề để năm 2023 vượt mục tiêu 4.400 USD và là tín hiệu để đến năm 2025 sẽ thực hiện được mục tiêu vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
3.Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 700 tỷ USD
Năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 700 tỷ USD và đây là một đỉnh mới sau kết quả của năm 2021 (668,5 tỷ USD). Con số này càng trở nên ấn tượng hơn khi mà hoạt động xuất khẩu đang gặp phải khó khăn lớn là thị trường bị thu hẹp.
Một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu của ta sang thị trường EU, Hoa Kỳ đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; thị trường châu Âu đang dựng lên các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh... khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.
4.Thu ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, ngành tài chính đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ về tài chính - ngân sách Nhà nước đề ra.
Tính đến ngày 15/12/2022, thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội; tỷ lệ động viên vào NSNN xấp xỉ 18% GDP (vượt mục tiêu 15,2% GDP). Thu NSTW vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán. Về cân đối NSNN, bội chi và nợ công thấp hơn giới hạn được Quốc hội cho phép.
- 5.Thị trường tài chính biến động mạnh
Năm qua ghi nhận những biến động mạnh trên thị trường tài chính. Trong đó phải kể đến sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán. Chỉ số VN-Index giảm từ hơn 1.520 điểm hồi đầu tháng 4 xuống còn 873 điểm (16/11) trước khi hồi phục lên 1.080 điểm vào đầu tháng 12. Nhiều cổ phiếu nhóm ngành bất động sản giảm 80-90% còn thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng.
Thị trường tài chính năm qua chứng kiến những biến động mạnh khi một số doanh nhân có ảnh hưởng trên thị trường như Trịnh Văn Quyết (FLC), Đỗ Anh Dũng (Tân Hoàng Minh), Trương Mỹ Lan (Vạn Thịnh Phát) bị bắt. Việc này phần nào đã làm ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường.
Trước tình hình đó Chính phủ và NHNN đã có các chính sách uyển chuyển và linh hoạt. NHNN đã chủ động nới biên độ tỷ giá USD/VND lên từ mức +/-3% lên +/-5% (tháng 10/2022); Điều chỉnh lãi suất 2 lần để nâng lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 4,5%/năm và lãi suất tái cấp vốn từ 4%/năm lên 6%/năm. Hoạt động bơm hút tiền được kết hợp nhịp nhàng nhằm duy trì thanh khoản trên hệ thống. Lãi suất qua đêm ổn định trở về ngưỡng 5-6%/năm trong những ngày cuối năm.
- 6.Thị trường xăng dầu “dị biệt”
Năm 2022 thị trường xăng dầu trong nước ghi nhận một kỷ lục “buồn” khi lần đầu tiên giá xăng đạt mức 32.873 đồng/lít vào tháng 6. Với biến động cùng những phản ứng trên thị trường xăng dầu năm qua một lãnh đạo Bộ Công Thương cùng nhiều chuyên gia khi đã dùng từ “dị biệt” để nhận xét về thị trường xăng dầu năm 2022.
Tuy nhiên, với sau 16 kỳ tăng, 15 kỳ giảm giá xăng suốt năm qua cho thấy những nỗ lực lớn của cơ quan quản lý Nhà nước để kéo giá xăng xuống mức hiện tại, một mức giá được xem là hợp lý vào giai đoạn cuối năm. Có thể nguồn cung xăng dầu đến nay cơ bản đã thông suốt, ổn định trên thị trường đã được lập lại.
7.Trái phiếu doanh nghiệp “gặp hạn”
Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 giảm trên 25% so với cùng kỳ năm 2021, ngược lại, khối lượng trái phiếu được mua lại tăng khoảng 50%. Nguyên nhân bắt nguồn từ vụ vụ việc Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát dẫn đến niềm tin của nhà đầu tư giảm sút mạnh. Năm 2022 ghi nhận khối lượng phát hành trái phiếu mới sụt giảm; khối lượng mua lại tăng và có hiện tượng nhà đầu tư bán lại trái phiếu.
Đặc biệt, khối lượng trái phiếu đến hạn trong thời gian tới lớn và doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền để cân đối nguồn lực thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn và huy động vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh… Khả năng cân đối nguồn vốn của nhiều doanh nghiệp trở nên chật vật khi kênh trái phiếu gần như “đóng băng”.
- 8.Đấu tranh phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh
Trong năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành gần 30 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó đáng chú ý là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Trong năm 2022 đã khởi tố điều tra 15 cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có: 4 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương đảng là Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng và Bí thư tỉnh ủy; 4 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương; 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; 5 sĩ quan cấp tướng. Năm 2022 cũng là lần đầu tiên cho 3 ủy viên Trung ương thôi tham gia BCH. Số tiền tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản liên quan đến tham nhũng là 160.000 tỷ đồng.
- 9.Bất động sản khủng hoảng về dòng tiền
Năm 2022 được xem là giai đoạn “khủng hoảng” của thị trường BĐS. Các chuyên gia đánh giá, thị trường BĐS phát triển khá bất thường và có sự khác biệt so với thế giới và khu vực. Nguyên nhân chính là do thị trường đã và đang điều chỉnh rất mạnh sau 3 năm tăng nóng. Cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đã dùng đòn bẩy tài chính tương đối nhiều.
Năm qua dòng vốn cho bất động sản suy giảm đột ngột, tín dụng hết hạn mức. Thêm vào đó, chứng khoán cũng giảm sâu, nhiều doanh nghiệp bán giải chấp. Trái phiếu doanh nghiệp thì sụt giảm cộng thêm nhiều doanh nghiệp phải lo mua lại trái phiếu trước hạn… khiến dòng vốn đầu tư ngày càng khó khăn.
Trước tình hình đó Chính phủ đã cho lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký công điện về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, với các chỉ đạo cụ thể tới các bộ ngành liên quan, các địa phương.
- 10.Lạm phát vẫn được kiểm soát dưới mục tiêu
Chỉ số CPI năm 2022 theo dự kiến của Chính phủ là 3,87% cho thấy lạm phát vẫn được kiểm soát dưới mục tiêu 4% của Quốc hội. So sánh với nhiều nước trong khu vực, mức tăng CPI của Việt Nam tương đối thấp trong bối cảnh bóng ma lạm phát phủ bóng toàn cầu. Tuy vẫn kiểm soát được lạm phát dưới mục tiêu nhưng năm 2022 vẫn ghi nhận múc lạm phát cao nhất từ năm 2017 đến nay.
Áp lực lạm phát được cảm nhận qua sự leo thang về giá của nhiều mặt hàng. Đầu tiên là xăng dầu liên tiếp lập đỉnh kéo theo nhiều giá hàng hoá, dịch vụ cũng tăng. Mặc dù giai đoạn cuối năm giá xăng dầu hạ nhiệt nhưng giá nhiều hàng hóa không giảm theo.