Giải pháp nào cho "điệp khúc" mưa là ngập ở Hà Nội

Lê Sáng | 09:29 24/05/2022

Theo các chuyên gia đã đến lúc Hà Nội cần nghiêm túc xem xét các giải pháp tổng thể khắc phục tình trạng mưa là ngập vốn đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân.

Giải pháp nào cho "điệp khúc" mưa là ngập ở Hà Nội
Nhiều năm qua, người dân Hà Nội đã sống chung với cảnh hễ mưa to là ngập úng cục bộ

Những trận mưa liên tục kéo dài từ ngày 22-24/5 với lượng phổ biến từ 26-235mm đã khiến nhiều tuyến phố và các khu đô thị tại Hà Nội đã chìm trong ngập úng.

Đặc biệt, sau trận mưa lớn chiều ngày 23/4, tại các khu vực như tuyến đường gom đại lộ Thăng Long, lối rẽ vào khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn và Geleximco Lê Trọng Tấn (Hoài Đức, Hà Nội), đường Cầu Diễn (Nam Từ Liêm, Hà Nội)... đã xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ khiến nhiều xe cộ, đặc biệt là ôtô chết máy vì có đoạn ngập sâu quá bánh xe.

Chia sẻ với MarketTimes về nguyên nhân của tình trạng trên, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng việc úng ngập cục bộ tại một số khu vực của Hà Nội là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong khi những vấn đề về quy hoạch thoát nước và quản lý đô thị vẫn tồn tại nhiều năm qua.

Do tác động của biến đổi khí hậu, hiện Hà Nội đã có những trận mưa rất lớn lên đến hơn 200mm, trong khi các dự án thoát nước trước đây lại chưa tính toán và dự báo hết. Trong khi đó, diện tích mặt nước, mặt ao hồ vốn là nơi chứa nước đang ngày càng bị thu hẹp, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm nhận định.

Theo đó, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để khắc phục điệp khúc mưa là ngập tại Thủ đô thì cần sớm xem xét và đánh giá lại toàn bộ các dự án thoát nước của Hà Nội cũng như cần có những giải pháp cục bộ để giải quyết tình trạng úng ngập, đảm bảo đời sống của người dân và bộ mặt đô thị.

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa thì câu chuyện úng ngập đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân Thủ đô, nhất là những khu vực đô thị trũng thấp.

Theo các chuyên gia thực trạng trên chủ yếu đến từ việc kết cấu hạ tầng khung của đô thị chưa hoàn chỉnh trong khi tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh khiến cho hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng kịp.

Chia sẻ quan điểm với Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm về những nguyên nhân của “vấn nạn” ngập úng cục bộ tại Hà Nội, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến Trúc sư Việt Nam cho rằng tồn tại đáng kể nhất lại đến từ chính các dự án Khu đô thị.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, thực tế dù đã có quy định các Khu đô thị đều phải có khu thu gom và xử lý nước thải trong đó bao gồm cả nước mưa ở bề mặt. Chẳng hạn, nếu thấp thì phải có hệ thống bơm tăng áp, đẩy nước ra bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều Khu đô thị bị chủ đầu tư “ăn bớt” các hạng mục trong đó có thoát nước.

Nhìn rộng vấn đề dưới góc độ đồng bộ quy hoạch, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng việc hàng trăm dự án khu đô thị được xây dựng và đi vào hoạt động nhưng lại thiếu đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực đang dẫn tới những tình trạng như tắc đường, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và nổi cộm là úng ngập.

Từ những vấn đề thực tiễn đặt ra liên quan đến tình trạng úng ngập cục bộ tại Hà Nội thời gian qua, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho rằng thành phố có thể cũng có thể xem xét đến phương án xã hội hóa cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng các công trình hạ tầng thoát nước. Về hình thức, có thể theo phương án đối tác công tư phù hợp để nhanh chóng có thêm các nguồn vốn đề đầu tư cho hệ thống thoát nước trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn chế.

Bên cạnh đó, cũng theo Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, về dài hạn thì công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch cần được thực hiện nghiêm túc, tránh việc tùy tiện điều chỉnh cục bộ một khu vực khiến tổng thể bị phá vỡ tính thống nhất của hạ tầng.

“Một trong những hậu quả của việc chắp vá quy hoạch là tắc đường, úng ngập. Trong khi định hướng là giảm mật độ dân cư tại các đô thị lõi, trung tâm phố cổ, phố cũ thì nhiều dự án chung cư cao tầng, trung tâm thương mại mới quy mô lại được phê duyệt trên đất của các cơ sở sản xuất, nhà máy gây ô nhiễm được di chuyển ra khỏi nội đô. Đã đến lúc Hà Nội cần có một quy hoạch thống nhất, có tầm nhìn và nhất là không bị tùy tiện điều chỉnh”, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giải pháp nào cho "điệp khúc" mưa là ngập ở Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO