Ngày 21/4, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023; đồng thời công bố ấn phẩm "Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2022" của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Chủ đề của hội thảo cũng như của ấn phẩm thường niên năm nay là "Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023: Ổn định và phát triển thị trường bất động sản."
Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn và bất định, kinh tế Việt Nam năm 2022 đã đạt mức tăng trưởng vượt trội ngay sau giai đoạn tăng trưởng suy giảm sâu do đại dịch Covid-19. Lạm phát và kinh tế vĩ mô về cơ bản là ổn định.
Tuy nhiên, một số vấn đề của nền kinh tế vẫn còn tồn tại, đặc biệt là sự lành mạnh của hệ thống tài chính tiền tệ còn chưa được cải thiện, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Một trong những điểm nghẽn có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống tài chính tiền tệ là thị trường bất động sản (BĐS) còn nhiều rủi ro bất ổn và chưa được phát triển một cách bền vững. Có thể nói, bất động sản là tài sản có giá trị lớn nhất trong tổng tài sản của mỗi hộ gia đình, cá nhân, và các tổ chức trong nền kinh tế.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tổng giá trị bất động sản chiếm tới trên 30% tổng tài sản của quốc gia, các hoạt động liên quan đến bất động sản chiếm khoảng từ 30% - 40% tổng các hoạt động của nền kinh tế và giá trị bất động sản thường chiếm tỷ trọng chính trong tổng tài sản của các hộ gia đình, cá nhân (Hoàng Văn Cường, 2017).
Tại Hội thảo, GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết: Trước tình hình hiện nay, xu thế nói chung về sản phẩm bất động sản hiện nay, kể cả giai đoạn đóng băng hay những giai đoạn nóng thì dường như ở Việt Nam, bất động sản được coi như là một kênh đầu tư bảo toàn vốn, được nhiều người coi trọng.
Giai đoạn 2020 - 2022, khi tình hình kinh tế thế giới giảm sút thì thị trường bất động sản thế giới có tăng nhưng mà độ tăng khoảng 15-20%, thì Việt Nam tăng giá bình quân tối thiểu 10%, và có thể lên tới 50% trong trường hợp tăng cao. Hiện tượng này cho thấy nhiều người thấy bất động sản là kênh đầu tư tốt nhất nên bỏ tiền vào bất động sản để giữ và nghĩ rằng sẽ an toàn.
Đặc biệt, theo ông Cường, ở Việt Nam, đầu tư bất động sản không phải chỉ mua để ở, để kinh doanh, để tiêu dùng mà lại trở thành tài sản tích lũy cho đời sau. Tức là có tiền của thì mọi người sẽ phải đầu tư vào bất động sản để tích lũy.
'Mọi người coi bất động sản giống như là vàng. Đặc biệt là bất động sản ở những khu vực có cái giá trị hữu hạn thì giá của bất động sản đấy không còn là yếu tố về công dụng nữa mà giá lại phụ thuộc vào giá trị tích lũy mà bất động sản đó để lại', GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Chính điều này lý giải được tại sao Việt Nam thu nhập thấp nhưng giá bất động sản cứ tăng cao. Tóm lại, bất động sản không phải để tiêu dùng nữa đã trở thành tài sản tích lũy của nhiều người, GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết thêm.