Được thành lập từ năm 1956, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là nhà nhập khẩu và phân phối xăng dầu lâu đời nhất và lớn nhất Việt Nam với thị phần khoảng 50%.
Biến động trái chiều doanh thu và lợi nhuận
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I năm 2022 của tập đoàn Petrolimex cho thấy doanh thu trong quý I/2022 của Petrolimex lập đỉnh lịch sử ở mức 67.020 tỷ đồng, tăng 75,2% so với con số 38.247 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên giá vốn hàng bán của tập đoàn này cũng tăng vọt tương ứng, mức 64.242 tỷ đồng, tăng 84,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến lợi nhuận gộp trong quý I/2022 của ông lớn ngành phân phối xăng dầu đạt mức 2.777,5 tỷ đồng, giảm tới 18%.
Trong quý I/2022, chi phí tài chính của Petrolimex cũng tăng lên mốc 300 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng chủ yếu là lãi vay. Ngoài ra các khoản lỗ tại các công ty liên kết do Petrolimex đầu tư cũng lên tới 234 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021.
Lãi gộp giảm đồng thời chi phí tài chính và lỗ từ các công ty liên kết tăng mạnh khiến lợi nhuận trước thuế của tập đoàn xăng dầu này thâm hụt. Trong 3 tháng đầu năm 2022, con số lợi nhuận này của Petrolimex đạt mức 571 tỷ đồng, giảm 44% so với mức 1.013 tỷ đồng.
Vì sao lợi nhuận Petrolimex giảm dù doanh thu tăng mạnh?
Theo giải thích của công ty chứng khoán SSI, mặc dù doanh thu tăng mạnh 75% nhưng lợi nhuận trước thuế của Petrolimex giảm 44% so với cùng kỳ, chủ yếu là do mảng xăng dầu hoạt động kém hiệu quả do giá dầu biến động cao và nguồn cung đầu vào tại nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bị gián đoạn.
Xem xét vị trí của Petrolimex trong chuỗi giá trị ngành xăng dầu sẽ hiểu rõ hơn vấn đề. Petrolimex đứng ở trung nguồn của chuỗi này. Đầu vào của Petrolimex là Tổng công ty hoá dầu Petrolimex (PLC) và Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Lợi nhuận từ mảng xăng dầu của Petrolimex giảm đáng kể -88% so với cùng kỳ, đạt 72 tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ của mảng xăng dầu tăng 10,4% trong quý I/2022. Trong đó sản lượng bán lẻ tăng 2,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chiếm khoảng 50% nguồn cung trong nước bất ngờ giảm công suất hoạt động từ 55%-80% vào cuối tháng 1 do các vấn đề tài chính.
Ngoài ra, giá dầu tăng cao dẫn đến tính trạng găm hàng tại một số cửa hàng bán lẻ. Là nhà phân phối xăng dầu lớn nhất tại thị trường nội địa, Petrolimex phải đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường trong nước. Do đó, công ty phải tăng tỷ trọng nhập khẩu đầu vào với giá giao ngay ở mức cao, khiến biên lợi nhuận của mảng xăng dầu sụt giảm trong quý I vừa qua.
Tuy nhiên điểm tích cực là lợi nhuận từ các mảng khác tăng 23% so với cùng kỳ, đạt 499 tỷ đồng do mảng hóa dầu, vận tải và tài chính cải thiện.
Nguồn tin từ SSI cho biết tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu và lợi nhuận trong 5 tháng đầu năm 2022 của Petrolimex ước đạt lần lượt 4,9 triệu m3 và 1,3 nghìn tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 48,4% và 44% so với kế hoạch. Như vậy, con số lợi nhuận ước đạt 770 tỷ đồng trong tháng 4 và tháng 5, có dấu hiệu cải thiện đáng kể so với quý I vừa qua.
Trong khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn vẫn chưa hoạt động hoàn toàn ổn định, Petrolimex đã tăng sản lượng nhập khẩu từ 30% trước năm 2022 lên 54% trong 6 tháng đầu năm 2022 để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung trong nước. Do sản lượng nhập khẩu tăng lên trong quý II/2022 đã được kế hoạch trước, giá nhập khẩu sẽ cạnh tranh hơn so với giá giao ngay. Vì vậy điều này có thể` giúp cải thiện biên lợi nhuận của mảng xăng dầu so với quý I/2022.