Theo đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng nhẫn trong nước tại một số doanh nghiệp đã nhích thêm 50.000 đồng/lượng trong sáng nay (29/7). Tuy nhiên, đối với vàng miếng SJC, giá loại vàng này không thay đổi so với kết phiên trước.
Cụ thể, tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng như SJC, Doji, Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu đồng loạt niêm yết giá vàng miếng ở mức 77,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 79,5 triệu đồng/lượng bán ra, không thay đổi so với cuối tuần trước. 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) cũng niêm yết giá bán ở mức 79,5 triệu đồng/lượng.
Với mặt hàng vàng nhẫn, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn hiện niêm yết giá ở ngưỡng 75,6-77,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết ở ngưỡng 75,80-77,10 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giữ nguyên chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng nhẫn tròn trơn 999,9 của Phú Quý giao dịch ở mức 75,8 - 77,1 triệu đồng/lượng (mua-bán), tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua bán.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 75,88-77,08 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); không thay đổi cả hai chiều.
Trong thời gian gần đây, giá vàng nhẫn thường có sự biến động cùng chiều với giá vàng thế giới, giúp nhà đầu tư có thêm thông tin tham khảo trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới giao dịch quanh vùng 2.393 USD/oz, giảm đến 40,1 USD/oz so với cùng thời điểm ở phiên giao dịch trước. Nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa bao gồm thuế, phí, giá vàng thế giới hiện có giá trị gần 73,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 6,2 triệu đồng/lượng.
Vào tuần trước, dữ liệu mới nhất đã khơi dậy sự lạc quan mới trên thị trường vàng giúp giá kim loại quý phục hồi hơn 20 USD. Theo đó, số liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân (thước đo lạm phát ưa thích của Fed) đã cho thấy sự tiến triển liên tục trong cuộc chiến chống lại lạm phát.
Cùng với đó, GDP ước tính quý II đã vượt qua kỳ vọng của giới chuyên gia với mức tăng trưởng hằng năm mạnh mẽ là 2,8%. Con số này, cao hơn nhiều so với mức dự đoán 2% của các nhà kinh tế, đã cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế dù lãi suất vẫn ở mức cao nhất trong 23 năm. Trong tuần này, thị trường sẽ chờ đợi thông tin cuộc họp chính sách của Fed.
Theo Giám đốc phòng ngừa rủi ro thương mại Sean Lusk của Walsh Trading, cuộc họp có thể là cơ hội, nhưng cũng có thể là trở ngại đối với với vàng. Trong tình huống xấu, kim loại quý cần phải giữ được phạm vi 2.350-2.340 USD/ounce, nếu không giá sẽ giảm sâu hơn. Ngoài ra, vàng vẫn hoạt động trong môi trường thuận lợi khi lo ngại liên quan đến địa chính trị, kinh tế và tài chính vẫn hiện hữu. Ông cho rằng, bất cứ sự điều chỉnh đi xuống nào cũng sẽ là cơ hội mua vào.