Giá dầu đi xuống khoảng 2% trong phiên này khi lượng xăng và các sản phẩm chưng cất dự trữ của Mỹ gia tăng và những lo ngại về tăng trưởng kinh tế giảm tốc đã lấn át những lo ngại về nguồn cung dầu thô thắt chặt.
Bên cạnh đó, giá dầu gặp áp lực khi đồng USD tăng lên mức cao nhất từ giữa tháng 6 so với các đồng tiền chủ chốt, điều này đồng thời khiến hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này như dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ đồng tiền khác.
Theo Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm trong tuần trước dù sản lượng chạm mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Lượng xăng và các sản phẩm chưng cất dự trữ của Mỹ tăng lên khi các công ty lọc dầu tăng cường hoạt động lên 95% năng lực sản xuất – mức cao nhất trong 4 năm qua cho thời điểm này trong năm.
Ông John Kilduff, chuyên gia của công ty tư vấn đầu tư Again Capital LLC có trụ sở ở New York (Mỹ), cho biết sự gia tăng trong lượng nhiên liệu dự trữ nói trên đã khiến giá xăng và các sản phẩm chưng cất kỳ hạn giảm lần lượt khoảng 3% và 4%, qua đó dẫn dắt đà giảm của giá dầu thô.
Sản lượng của Mỹ tăng lên cũng góp phần khiến giá dầu giảm xuống.
Ngoài ra, giới đầu tư còn lo ngại rằng sự giảm tốc của các nền kinh tế có thể làm giảm nhu cầu năng lượng khi các ngân hàng trung ương nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết Fed sẽ không để lạm phát tăng quá cao dù điều này đòi hỏi phải nâng lãi suất lên các mức có thể đe dọa tăng trưởng kinh tế.
Giám đốc điều hành (CEO) của công ty dầu khí Shell PLC (Vương quốc Anh) Ben van Beurden cho biết sự bất ổn trên các thị trường dầu khí toàn cầu có thể còn kéo dài thêm một thời gian nữa, khi năng lực sản xuất dư thừa ở mức rất thấp, trong khi nhu cầu vẫn đang phục hồi.