Giá dầu thô sáng nay vẫn chưa ghi nhận sự thay đổi do các nhà giao dịch đang trong kỳ nghỉ lễ năm mới 2023.
Dầu thô đang hướng tới mức tăng hàng năm thứ hai liên tiếp trong một năm đầy biến động được đánh dấu bởi nguồn cung khan hiếm vì diễn biến tại Ukraine và nhu cầu suy yếu từ nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Trung Quốc.
Vào năm 2022, giá dầu tăng mạnh trong tháng 3 với dầu Brent đạt 139,13 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.
Đến nửa cuối năm 2022, giá hạ nhiệt nhanh chóng do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo ước tính mới nhất của chính phủ, sản lượng dầu của Mỹ trong năm nay sẽ tăng trung bình 620.000 thùng/ngày, thấp hơn một phần ba so với mức khoảng 1 triệu thùng/ngày mà một số dự báo đưa ra hồi đầu năm. Sự thiếu hụt đó đã làm giảm ảnh hưởng của đá phiến trên thị trường toàn cầu và giúp nâng giá năm thứ hai liên tiếp.
Trong một diễn biến khác, Nga sẽ cho phép các quốc gia thanh toán các khoản thanh toán nợ đối với việc cung cấp khí đốt bằng ngoại tệ, theo những thay đổi được Tổng thống Vladimir Putin đưa ra đối với sắc lệnh trước đó về thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.
Tài liệu cũng làm rõ rằng việc thanh toán nợ không có nghĩa là nối lại nguồn cung cấp khí đốt. Nó cũng không làm thay đổi các yêu cầu đã nêu trước đó rằng các nhà nhập khẩu nước ngoài mua khí đốt của Nga phải thanh toán bằng đồng rúp.
Trên thị trường nội địa, giá bán lẻ xăng dầu hôm nay được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 1/1 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5RON92 không cao hơn 21.020 đồng/lít, xăng RON95-III: không cao hơn 21.807 đồng/lít.
Đối với các loại dầu, dầu điêzen 0.05S 22.151 đồng/lít, dầu hỏa 22.166 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S 13.633 đồng/kg.