Thị trường ngày 31/12: Giá dầu, vàng, quặng sắt đồng loạt tăng, khép lại một năm nhiều sóng gió

Minh Quân | 08:13 31/12/2022

Giá dầu tăng năm thứ 2 liên tiếp, đồng giảm mạnh nhất kể từ 2008… Thị trường hàng hóa kết thúc năm 2022 biến động mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chưa qua lại thêm tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Thị trường ngày 31/12: Giá dầu, vàng, quặng sắt đồng loạt tăng, khép lại một năm nhiều sóng gió

Giá dầu tăng 3%

Giá dầu tăng trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, với dầu Brent tăng gần 3%, hay 2,45 USD, lên 85,91 USD/thùng, trong khi dầu Trung cấp Tây Texas của Mỹ (WTI) tăng 1,86 USD hay 2,4% lên 80,26 USD/thùng.

Tính chung cả năm 2022, dầu Brent tăng khoảng 10%, sau khi tăng 50% vào năm 2021; dầu WTI tăng gần 7%, sau khi tăng 55% trong năm 2021. Cả hai loại dầu đều đã giảm giá mạnh trong năm 2020 do đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu nhiên liệu.

Đầu năm 2022, nguồn cung xăng dầu khan hiếm trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine đẩy giá dầu tăng vọt. Sau đó, giá lao dốc khi nhu cầu từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, giảm sút và lo ngại về suy thoái kinh tế, nhưng đã khép lại năm tăng thứ hai liên tiếp.

Vàng tăng

Giá vàng tăng trong phiên 30/12 để kết thúc quý 4 tăng mạnh nhất kể từ tháng 6 năm 2020 do kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.

Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.818,70 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 2/2023 vững ở mức 1.826,2 USD.

Giá vàng thỏi chỉ giảm khoảng 0,5% vào năm 2022 do các đợt tăng lãi suất liên tiếp của ngân hàng trung ương Mỹ đẩy vàng xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm vào tháng 9, nhưng đã hồi phục dần kể từ đó.

Trong phiên 30/12, giá bạc giao ngay giảm 0,4% xuống 23,79 USD/ounce, bạch kim tăng 0,9% lên 1.063,43 USD, trong khi palađi giảm 1,6% xuống 1.784,76 USD.

Bạc và bạch kim kết thúc năm 2022 với kết quả tăng, trong khi palađi giảm 5,6% trong năm.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA cho biết, bạch kim và palađi có thể chứng kiến "sự phục hồi tốt sau đợt phục hồi kinh tế" nếu rủi ro suy thoái có vẻ ít đi.

Giá đồng giảm

Giá đồng giảm vào thứ Sáu (30/12), kết thúc năm giảm đầu tiên kể từ năm 2018 do lo ngại về nhu cầu do số ca nhiễm gia tăng ở Trung Quốc (nước tiêu dùng hàng đầu thế giới), tăng trưởng toàn cầu chậm lại và lượng hàng tồn kho tăng.

Giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) đã giảm 0,5% xuống 8.375 USD/tấn, tính chung trong năm 2022 giảm 13%.

Nhà phân tích Michael Widmer của Bank of America cho biết: “Ở Mỹ, người ta lo ngại Fed (Cục Dự trữ Liên bang – Ngân hàng trung ương Mỹ) sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái; ở châu Âu, cuộc khủng hoảng năng lượng đã gây căng thẳng lớn cho các tập đoàn và người tiêu dùng”.

Quặng sắt tăng

Giá quặng sắt tăng trong phiên 30/12, kết thúc một năm đầy biến động, với hợp đồng kỳ hạn tương lai trên sàn Đại Liên đạt mức cao nhất trong hơn 6 tháng, được thúc đẩy bởi sự lạc quan xung quanh việc nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới - Trung Quốc - dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch và đưa ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên 30/12 tăng 2,8% lên 863 nhân dân tệ (124,14 USD)/tấn, đầu phiên có lúc giá chạm 867,5 nhân dân tệ, mức cao nhất kể từ ngày 9 tháng 6. Tính chung cả năm, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 43%.

Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1 kết thúc phiên tăng 1,8% lên 117,20 USD/tấn, trong phiên có lúc gần chạm mức cao nhất trong 5 tháng, là 117,35 USD.

Đậu tương và lúa mì tăng, ngô giảm

Giá đậu tương kỳ hạn trên thị trường Chicago kết thúc phiên thứ Sáu (30/12) tăng, tính chung cả năm tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu cao và hạn hán ở nước xuất khẩu lớn -Argentina - trong bối cảnh nguồn cung hạt có dầu trên thị trường toàn cầu đang căng thẳng.

Giá lúa mì cũng tăng trong phiên 30/6 bởi lo ngại về thiệt hại do bão mùa đông đối với vụ lúa mì của Mỹ, trong khi ngô giảm do yếu tố kỹ thuật.

Kết thúc phiên, giá ngô trên sàn Chicago giảm 1 US cent, xuống 6,78-1/2 USD/bushel, tính chung cả năm 2022 tăng gần 14,4%.

Đậu tương kết thúc phiên 30/12 tăng 7,5 cent lên 15,24 USD/bushel, tính cả năm tăng gần 13,8% - mức tăng hàng năm thứ tư liên tiếp; và lúa mì tăng nhẹ 18 US cent lên 7,92 USD/bushel, tính chung cả năm tăng gần 2,8%.

Cà phê giảm

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 trên sàn Chicago giảm 2,75 cent vào thứ Sáu (30/12), tương đương 1,6%, xuống 1,673 USD/lb.

Giá cà phê arabica giảm 26% trong năm 2022 do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ hạn chế nhu cầu, triển vọng vụ mùa năm 2023 nhìn chung thuận lợi tại nhà sản xuất hàng đầu thế giới – Brazil - và dự trữ trên sàn giao dịch tăng.

Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 giảm 25 USD, tương đương 1,4%, xuống 1.799 USD/tấn. Tính chung cả năm 2022, cà phê robusta giảm 24%.

Cao su giảm

Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản giảm vào thứ Sáu (30/12), ghi nhận mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2018 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự sụt giảm nhu cầu từ Trung Quốc – nước nhập khẩu cao su hàng đầu thế giới.

Hợp đồng cao su giao tháng 6 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên 30/12 giảm 1 JPY, tương đương 0,5%, xuống 218,0 JPY (1,64 USD)/kg, giảm khoảng 0,9% trong cả tuần.

Tính chung trong năm 2022, giá cao su trên sàn Osaka giảm khoảng 8,4%.

Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 20 CNY xuống còn 12.695 CNY (1.826 USD)/tấn trong phiên 30/12.

Tâm lý của các nhà giao dịch cao su đã bị xáo trộn trong những tuần gần đây sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chống Covid-19 nhưng lại xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới làm hạn chế hoạt động công nghiệp và tiêu dùng.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 31/12:

321615423_1327120334707700_6873235945980842839_n.jpg
Bài liên quan

(0) Bình luận
Thị trường ngày 31/12: Giá dầu, vàng, quặng sắt đồng loạt tăng, khép lại một năm nhiều sóng gió
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO