Giá dầu lao dốc 7 tuần liên tiếp: Hiện tượng “lịch sử” đảo lộn vị thế toàn cầu của các cường quốc dầu mỏ?

Tất Đạt | 13:53 12/12/2023

Theo CNN, giá dầu hợp đồng tương lai của Mỹ ghi nhận tuần giảm thứ 7 liên tiếp vào ngày 8/12, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất trong 5 năm qua.

Giá dầu lao dốc 7 tuần liên tiếp: Hiện tượng “lịch sử” đảo lộn vị thế toàn cầu của các cường quốc dầu mỏ?

Giá dầu liên tục giảm

Giá giảm kéo dài xảy ra khi các nhà phân tích lo lắng về sản lượng gia tăng trên toàn cầu cũng như việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bỏ qua lời cam kết về việc hạn chế nguồn cung. Trước đó, nhóm OPEC + (bao gồm Nga và các đồng minh khác của OPEC) đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu 2,2 triệu thùng mỗi ngày cho đến quý đầu tiên của năm 2024, nhưng dường như không phải tất cả các thành viên đều tuân thủ cam kết đó.

Các thị trường cũng đang lo lắng về nhu cầu dầu thô dự kiến sẽ giảm, đặc biệt là ở Trung Quốc. Trong khi đó, giá xăng ở Mỹ đã giảm xuống mức trung bình khoảng 3,19 USD/gallon. Đó là giảm khoảng 22 cent so với một tháng trước và 14 cent so với một năm trước.

CNN đã tham khảo ý kiến từ các nhà phân tích dầu mỏ của Mỹ tại LSEG là Jim Mitchell và Corey Stewart để hiểu rõ hơn về điều khiến giá dầu lao dốc. Nói về việc giá dầu tương lai giảm đều đặn trong 7 tuần liên tiếp, chuyên gia Mitchell cho rằng hiện tượng này có những ý nghĩa quan trọng bởi thị trường dầu mỏ rất lớn, thậm chí là thị trường hàng hóa lớn nhất.

5028891940691625053.jpg

“Ngoài ra, dầu mỏ cũng có vai trò như một loại tiền tệ, nó ảnh hưởng tới toàn bộ GDP của nhiều quốc gia”, ông Mitchell nói. “Giá dầu đã vượt quá 90 USD/thùng chỉ cách đây vài tháng, và do đó có rất nhiều động lực để các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, bắt đầu sản xuất nhiều hơn”.

Trong khi đó, ông Stewart cho rằng giá dầu thơ đã tăng trong một thời gian khi thiếu nguồn cung. Do đó, khi có ít nhu cầu, việc giá giảm một chút là điều đương nhiên.

“Giá dầu giảm vào cuối năm không hẳn là điều đáng ngạc nhiên, vì chúng ta có thể chuyển từ tình trạng thiếu cung sang thừa cung nhẹ trên thị trường dầu thô. Mọi thứ nghe có vẻ kịch tính và trên thực tế có vẻ đúng như vậy, nhưng tôi nghĩ việc này có tính thời vụ”.

Nhiều nước tăng cường xuất khẩu

Theo ông Stewart, một số vùng tại Mỹ đang có sản lượng dầu mỏ kỷ lục. Do đó, OPEC sẽ khó thực hiện một số chiến lược mà tổ chức này đã sử dụng trước đây để hạn chế nguồn cung và đưa giá tăng trở lại. Ngoài ra, một số vấn đề khác cũng đáng chú ý. Ví dụ, OPEC không đề cập về Libya. Libya không có hạn ngạch và hiện đang sản xuất khoảng 1,1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Iran đang sản xuất 3,2 triệu thùng và Bộ trưởng Dầu mỏ nước này cho biết ông muốn đạt được mức 3,6 triệu vào cuối quý đầu tiên của năm 2024. Vì vậy, các quốc gia này đang tăng cường sản xuất trong khi Ả Rập Saudi đang cắt giảm.

Việc các cường quốc dầu mỏ thay đổi sản lượng xuất khẩu được cho là sẽ gây ra thay đổi lớn đối với thị phần và ảnh hưởng của những nước này trên thị trường thế giới. Ông Mitchell nhận định đây là khoảnh khắc quan trọng đối với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, ông không cho rằng sẽ có nhiều thay đổi trong mùa đông năm nay. “Kể cả châu Âu có lạnh đi chăng nữa, tôi cũng không nghĩ rằng dầu mỏ sẽ khan hiếm như năm ngoái”.

Ông Stewart nhận định lượng dầu diesel tồn kho ở châu Âu đã vượt quá mức thấp vào năm ngoái và hiện tại trữ lượng đã cao hơn mức đó rất nhiều. Ngoài ra, mùa đông có vẻ tương đối ôn hòa nên người dân châu Âu cũng bớt phải đối mặt với rủi ro.

Một trong những điều đáng chú ý là công suất lọc dầu của Trung Quốc không ngừng tăng lên, khoảng 15,5 triệu thùng mỗi ngày. Công suất của Mỹ là khoảng 17,7 triệu thùng mỗi ngày và Trung Quốc có thể sẽ vượt Mỹ trong vài năm tới.

Theo ông Mitchell, một khi Trung Quốc bán sản phẩm dầu mỏ tinh chế vào thị trường Thái Bình Dương, nó sẽ có tác động tới các nhà máy lọc dầu ở Đông Nam Á và thậm chí cả Mỹ. Ông Stewart bổ sung rằng trước đây Trung Quốc có chính sách muốn sử dụng các sản phẩm dầu mỏ chủ yếu cho thị trường nội địa, tuy nhiên việc nước này xuất khẩu ngày càng nhiều cũng ảnh hưởng tới giá cả.

Ông Stewart nhấn mạnh rằng việc giá dầu giảm trong thời gian qua đến từ việc nền kinh tế suy yếu trên thế giới. Tuy nhiên nếu xét trong thời gian dài, nhu cầu xăng dầu vẫn tăng trưởng gần như hàng năm.

Tham khảo CNN


(0) Bình luận
Giá dầu lao dốc 7 tuần liên tiếp: Hiện tượng “lịch sử” đảo lộn vị thế toàn cầu của các cường quốc dầu mỏ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO