Hiện giá cá tra nguyên liệu tại các vựa nuôi tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ... đang tăng mạnh từ 28.000 đồng/kg lên 31.000 - 32.000 đồng/kg.
Các hộ nuôi cá tại tỉnh An Giang cho biết, cả tuần nay, giá cá tra tăng mạnh, đặc biệt, doanh nghiệp xuống tận ao đặt tiền cọc trước để giữ mối giúp cho nông dân rất phấn khởi.
Hiện giá thành nuôi cá tra hiện nay đã lên mức 29.000 - 30.000 đồng/kg, với mức giá cá tăng lên 31.500 - 32.000 đồng/kg, người nuôi cá tra đã bắt đầu có lời.
Nguyên nhân khiến giá cá tra tăng cao là do từ đầu năm 2023, Trung Quốc đã nới lỏng việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 để khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh và giao thương với các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Giao thương giữa thị trường Việt Nam và Trung Quốc được thuận lợi. Thị trường đẩy mạnh thu mua cá tra với số lượng lớn, dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu. Trong khi đó, thời gian trước đó, giá thức ăn cho cá tăng cao liên tục, giá bán dưới điểm hòa vốn khiến nhiều người đã thu hẹp quy mô nuôi cá.
Một số ý kiến cho rằng, giá cá tra thương phẩm hiện ở mức tăng cao so với hơn 2 năm qua. Với giá này, người nuôi có lãi. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ nông dân vui mừng chưa được 10% vì thời điểm này không mấy người có cá để bán, do thời gian qua phải treo ao hoặc “ngâm cá” do tình trạng thua lỗ kéo dài.
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - ông Dương Nghĩa Quốc chia sẻ, giá lên xuống là do quy luật của thị trường. Và với mức giá cá trên 30.000 đồng/kg vẫn chưa xứng đáng với người nuôi cá tra.
Một trong những nguyên nhân khiến giá cá tra tăng lên trong mấy ngày gần đây là do thời điểm này đang là nghịch mùa. “Lượng cá thương phẩm ít hơn do lượng cá giống ít, chưa đúng mùa vụ nên sản lượng cá tra có giảm chứ không phải mất mùa”.
Giá cá tra đang trên đà tăng mạnh. Một số dự báo được đưa ra đó là, đến cuối tháng 2/2023, giá cá sẽ ở mức 33.000 đồng/kg, bước sang tháng 4/2023, giá có thể tăng đến 35.000 - 36.000 đồng/kg mà việc đưa vào thả nuôi và cho thu hoạch cá tra cũng rất nhanh, chỉ khoảng 6 – 8 tháng. Do đó, không lo thiếu hụt nguồn cung cá tra trong thời gian tới.
Ở một diễn biến khác, mới đây, 23 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và công bố đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này.
Như vậy, đến nay, hệ thống CIFER của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hơn 800 doanh nghiệp Việt Nam được công bố đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong năm 2023 nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác.
Khi Trung Quốc mở cửa, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ bùng nổ trong khi nguồn nguyên liệu nội địa của nước này khó đáp ứng kịp.
Trong các mặt hàng xuất khẩu, bà Lê Hằng nhận định, cá tra sẽ có lợi hơn tôm do doanh nghiệp có sẵn quan hệ thương mại với các đối tác Trung Quốc, cá tra Việt Nam có thể lấp đầy khoảng trống cá thịt trắng từ Nga trong bối cảnh xung đột chính trị vẫn chưa đến hồi kết.
Mặt khác, thời gian gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng tiêu thụ cá tra và các loại cá nước ngọt khác nhiều hơn cá rô phi, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh những nhận định tích cực từ thị trường này thì việc Trung Quốc áp dụng Lệnh 248 và 249 với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đến nay vẫn là điểm còn nhiều cản trở.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, thủ tục đăng ký và chờ phê duyệt cấp mã số của Hải quan Trung Quốc rất lâu, mất rất nhiều thời gian chờ đợi, làm ảnh hưởng đến kế hoạch cũng như tiến độ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu mong muốn cơ quan chức năng hai nước phối hợp, hỗ trợ thúc đẩy nhanh quá trình này. Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Quốc.