Gen Z xứ Trung có chiêu tiết kiệm không giống ai: Tưởng tượng mình đang mang thai để cất 21 triệu và nhiều thứ khác nữa!

Ngọc Linh | 15:36 07/05/2024

Gen Z xứ Trung đang rủ nhau tham gia thử thách nhập vai trên MXH để học cách quản lý chi tiêu, nhằm tiết kiệm được nhiều hơn.

Gen Z xứ Trung có chiêu tiết kiệm không giống ai: Tưởng tượng mình đang mang thai để cất 21 triệu và nhiều thứ khác nữa!

Không phải là lên mạng kể lể về chiếc ví rỗng của bản thân, cũng chẳng “khoe thành tích” bằng những tấm ảnh chụp vàng nhẫn vàng thỏi hay số dư tài khoản tiết kiệm, Gen Z xứ Trung đang tận dụng MXH để truyền động lực tiết kiệm cho những “người lạ mà quen”, theo một cách không tưởng.

Thử thách nhập vai khiến Gen Z tiết kiệm bộn tiền

Ding Juanjuan - Cô gái 24 tuổi đã chia sẻ hành trình mang thai ở tháng thứ 5 của mình trên  Xiaohongshu - Một MXH phổ biến ở Trung Quốc. Câu chuyện của Ding đã thu hút hơn 47.000 người theo dõi. Điều đáng nói chính là Ding hoàn toàn đang không mang thai và tất cả những người theo dõi cô cũng biết điều đó.

market-to-chinese-millennials-and-gen-z-consumers(1).jpg
Ảnh minh họa

Đây chính là thử thách nhập vai mà Ding đã tạo ra với mục đích tiết kiệm tiền. Cô tính toán số tiền đi khám thai định kỳ, tiền sắm các loại thực phẩm chức năng cho mẹ và bé, cộng thêm cả tiền chuẩn bị đi sinh,... Nói chung, tất cả những chi phí mà một người phụ nữ mang thai cần chi, Ding đều liệt kê ra cả. Nhưng vì không thực sự mang thai, nên số tiền ấy sẽ được dùng để tiết kiệm. 

Nhờ thử thách nhập vai này, Ding đã tiết kiệm được 6000 NDT (khoảng 21,5 triệu đồng) trong suốt “5 tháng mang thai”.

Ding cho biết: “Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có con vì chi phí nuôi dạy một đứa trẻ quá lớn. Tôi muốn giải phóng bản thân khỏi những chi phí khổng lồ ấy. Dẫu vậy, tôi vẫn tưởng tượng như mình đang nuôi một đứa trẻ. Tôi dự định sẽ dùng chi phí ấy cho quãng đời về già. Tôi muốn có một cuộc sống thoải mái hơn trong những năm cuối đời”. 

Ding không phải là Gen Z duy nhất ở Trung Quốc đang tự tạo ra và theo đuổi các thử thách nhập vai như trên để tiết kiệm tiền. Còn độc thân, chưa lập gia đình nhưng “chi tiền” như thể mình sắp làm mẹ chỉ là một trong nhiều thử thách được tạo ra.

Trong những tháng gần đây, các bài đăng nhiều kỳ trong đó người tham gia hóa thân vào nhiều nhân vật hư cấu khác nhau đã xuất hiện trên Xiaohongshu: Từ một người già thành công chúa, hay thậm chí là những nhân vật như Caroline Channing trong bộ phim truyền hình Mỹ “2 Broke Girls” và Shin-chan trong phim hoạt hình “Shin - Cậu bé bút chì".

2022_12_asian-shopper-consumer-china-christmas.jpg
Ảnh minh họa

Ví dụ: Một blogger tưởng tượng mình là bạn cùng lớp của Harry Potter, chia sẻ những cuộc phiêu lưu hàng ngày trong thế giới phù thủy. Cô kết thúc mỗi bài đăng bằng số tiền tiết kiệm được ngày hôm đó, lấy cảm hứng từ các sự kiện trong câu chuyện - chẳng hạn như tiết kiệm 7 NDT để tượng trưng cho số tiền dùng để một cây đũa phép.

Một người dùng khác miêu tả cô tưởng tượng mình trở thành một nàng công chúa với trách nhiệm cao cả: Tự bảo vệ bản thân sau khi vương quốc của cô bị phá hủy. Vào ngày đầu tiên, cô khuyến khích những người tham gia trên tài khoản của mình tiết kiệm 20 NDT - Chi phí tương đương với 1 bữa ăn KFC.

Jiang Ling - Một Y tá ở thành phố Hàng Châu cũng là một Gen Z hoạt động tích cực trong thử thách nhập vai này. Trong suốt 2 tháng nhập vai, Jiang cho biết cô đã tiết kiệm được 3000 NDT (khoảng 10,7 triệu đồng).

“Tôi gần như không chia sẻ cách tiết kiệm này với những người khác, mà chỉ tập trung hoạt động trên Xiaohongshu - Nơi cũng có những người đã và đang áp dụng cách tiết kiệm này. Với một người chi tiêu thiếu kỷ luật và không biết giữ mình khỏi những cạm bẫy tiêu tiền như tôi, việc này thực sự rất hiệu quả” - Jiang khẳng định.

Huang Shuming - Một nhà môi giới bảo hiểm 27 tuổi đến từ Thâm Quyến, cũng là một thành viên tích cực khác trong thử thách nhập vai. Cô tưởng tượng mình là một người phụ nữ 61 tuổi, giàu có, không có con và đang tìm cách tận hưởng những ngày thảnh thơi khi đã nghỉ hưu.

“Xu hướng xã hội già hóa đã thúc đẩy người trẻ phải sớm nghĩ tới tuổi già của chính mình” - Huang giải thích và nói thêm rằng cô hy vọng nhân vật của mình sẽ khơi dậy một cuộc trò chuyện về chủ đề này.

152.jpg
Các bài đăng của Huang trên Xiaohongshu với tư cách là một người phụ nữ 61 tuổi

Huang mong muốn cô có thể mang lại suy nghĩ tích cực và lạc quan hơn cho những người trẻ như mình, khi nghĩ tới vấn đề chuẩn bị tiền để nghỉ hưu. Thay vì đặt mục tiêu tiết kiệm với một số tiền quá lớn, Huang tiết kiệm từng ngày với số tiền nhỏ, bằng cách tưởng tượng mình là một người phụ nữ 61 tuổi với những nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi ở độ tuổi U70. 

Tín hiệu đáng mừng: Người trẻ ngày càng quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe tài chính!

Dữ liệu từ Yu'e Bao - Một nền tảng quản lý quỹ trực tuyến liên kết với ứng dụng thanh toán di động Alipay, cho thấy người trẻ đã và đang tiếp tục dành sự quan tâm và nghiêm túc trong các khoản đầu tư. 

Vào năm 2021, những người sau năm 1995 đã đầu tư vào nền tảng này nhiều hơn 38% so với năm trước. Đến năm 2023, những người sinh sau năm 1995 chiếm 40% số lượng người dùng, đánh dấu sự gia tăng đáng kể về mức độ tham gia của những người từ 23 đến 28 tuổi.

Là một người tham gia thử thách nhập vai để tiết kiệm, đồng thời cũng đang có các khoản đầu tư chứng chỉ quỹ và bảo hiểm, Huang chia sẻ: “Mọi người dường như đều đang lo sợ tốc độ mất giá của đồng tiền nên luôn cố gắng tìm mọi cách để bảo vệ tài sản của mình”.

143.jpg
Ảnh minh họa

Với Ding, những lo lắng về vấn đề tiền bạc xuất hiện sau khi cô tốt nghiệp Đại học và chuyển đến một thành phố khác để làm việc. Đối mặt với chi phí gia tăng và thu nhập hạn chế, cô có động lực tìm kiếm sự độc lập về kinh tế mà không cần dựa vào cha mẹ.

“Việc nhận ra rằng mình cần phải liên tục tiêu tiền chỉ để sống sót đã thôi thúc tôi tiết kiệm theo cách nghiêm túc hơn”, Ding nói và cho biết thêm rằng cô tìm thấy nguồn cảm hứng trong việc tạo ra những kịch bản giàu trí tưởng tượng để duy trì việc tiết kiệm đều đặn.

Trong những năm gần đây, xu hướng hướng tới lối sống tiết kiệm đã tạo được tiếng vang trong các cộng đồng trực tuyến như “Những người nghiện tiết kiệm” hay “Hiệp hội phụ nữ thông thái”.

Một cuộc khảo sát năm 2023 cho thấy nhiều thanh niên Trung Quốc tiết kiệm ít hơn dự kiến: Khoảng 20% không đạt được mục tiêu tiết kiệm đã đặt ra vì chi phí sinh hoạt cao và các cạm bẫy mua sắm. 

Mặc dù các phương pháp tiết kiệm sáng tạo ngày càng phổ biến nhưng không phải tất cả đều thấy kỹ thuật này có hiệu quả. Theo Huang, cô ấy đã quan sát thấy các mức cam kết khác nhau trong nhóm tiết kiệm của mình nhưng vẫn là người ủng hộ phương pháp này.

Nhưng ngoài việc phát triển thói quen tiết kiệm, Huang cho biết điều quan trọng không kém là lập kế hoạch khả thi và quản lý kỳ vọng để giải quyết những lo lắng liên quan đến tài chính.

Huang nói: “Đó là những gì bạn có thể đạt được trong cuộc sống dựa trên khả năng và mong muốn của mình. Tôi nghĩ đôi khi, khi một điều gì đó vẫn nằm ngoài tầm với, ngoài khả năng của bạn thì từ bỏ cũng có thể là một điều tốt, vì sống tốt ở hiện tại là rất quan trọng”.

Theo Sixthtone


(0) Bình luận
Gen Z xứ Trung có chiêu tiết kiệm không giống ai: Tưởng tượng mình đang mang thai để cất 21 triệu và nhiều thứ khác nữa!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO