GDP Việt Nam 2022 dự kiến tăng trưởng 8%, cao nhất trong vòng 11 năm

Giang Anh | 15:05 17/12/2022

Vào ngày 17/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”.

GDP Việt Nam 2022 dự kiến tăng trưởng 8%, cao nhất trong vòng 11 năm
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, thế giới đang đứng trước những thách thức lớn bởi tác động nhiều chiều từ hậu quả của đại dịch Covid-19; căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự tiếp tục diễn biến phức tạp; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia; các vấn đề an ninh phi truyền thống và biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp và gay gắt...

Trong bối cảnh đó, năm 2022, kinh tế Việt Nam mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi nhưng đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có

"Việc kinh tế Việt Nam năm 2022 không bị suy thoái trong đại dịch và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ đã khẳng định được nội lực và khả năng chống chịu khá tốt của nền kinh tế", ông Tuấn Anh cho biết.

Theo đó, kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra; xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 11 tháng tăng 8,6%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,9%; tiêu dùng trong nước tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 11 tháng đầu năm 2022 tăng tới 17,5%... Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách đến hết tháng 11/2022 đã vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

"Những chỉ số này cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khu vực doanh nghiệp đã phản ứng hiệu quả trước các cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh cho thấy niềm tin vững chắc của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những năm tới", Trưởng ban Kinh tế Trug ương nhận định

Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam đang tiếp tục phải đối mặt với một số thách thức với nền kinh tế. Cụ thể, sự suy yếu nhanh chóng của tổng cầu thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp lên các đơn hàng sản xuất trong nước; chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lần đầu tiên chỉ đạt 47,4 điểm, giảm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm sau 13 tháng liên tiếp ở mức cao. Hệ lụy là ở một số lĩnh vực người lao động đã bị mất việc làm.

So với cùng kỳ 2021, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp khai khoáng tháng 11/2022 giảm 10%, ngành sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 6,2%...Cán cân thương mại dịch vụ vẫn đang bị mất cân đối ngày càng lớn.

Tỷ giá và lãi suất trong mấy tháng gần đây có những bước tăng đột biến phản ánh mức độ căng thẳng thanh khoản trên thị trường tài chính ngân hàng. Giải ngân đầu tư công thấp, 11 tháng ước chỉ đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Điều này tạo nên nghịch lý nền kinh tế thì thiếu vốn trong khi nguồn lực khá lớn của nhà nước lại không thể đưa vào lưu thông trong nền kinh tế.

Cùng với đó, bối cảnh tình hình thế giới và khu vực năm 2023 cũng được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột ở Ukraine; nguy cơ suy thoái kinh tế tại các nước đối tác lớn của Việt Nam được dự báo là đáng kể; thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các nước thu hẹp; thị trường tài chính tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn...

Có thể thấy kinh tế thế giới đang trong giai đoạn đặc biệt khó khăn khi phải cùng lúc đối mặt với 2 vấn đề rất khó giải quyết đó là suy giảm kinh tế đi liền với lạm phát tăng cao.

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, tập trung vào phân tích, đánh giá làm rõ bối cảnh và các xu hướng lớn của thế giới và khu vực; làm rõ thêm xu hướng mất cân đối toàn cầu hiện nay đang đặt ra những cơ hội và thách thức gì cho kinh tế Việt Nam năm 2023 và những năm tới.

Hai là, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức vượt qua những thách thức lớn mà các nền kinh tế hiện nay đang cùng phải đối mặt, đặc biệt là từ xu hướng kép vừa suy thoái vừa lạm phát cao đang diễn ra ở nhiều nền kinh tế ...

Ba là, tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ thực chất những yếu tố căn bản nào đang đe dọa các nền tảng vĩ mô của kinh tế Việt Nam, những nguy cơ nào đối với các cân đối lớn của nền kinh tế; những nền tảng và sức mạnh nội tại cần phải phát huy, những dư địa chính sách và nguồn lực cần được khai thác, phát huy để phục vụ cho phát triển của 2023 và những năm tiếp theo; đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận, phân tích những hạn chế, yếu kém, những điểm nghẽn chủ yếu trong phát triển.

Bốn là, dự báo các kịch bản phát triển, đưa ra những khuyến nghị, đề xuất về chủ trương, chính sách hoặc các biện pháp cụ thể để chủ động ứng phó, xử lý hiệu quả các vấn đề đang đặt ra đối với Việt Nam cả trong trước mắt 2023 và trong những năm tiếp theo

Bài liên quan

(0) Bình luận
GDP Việt Nam 2022 dự kiến tăng trưởng 8%, cao nhất trong vòng 11 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO