GDP giảm tốc, lạm phát neo cao làm dấy lên quan ngại mới về kinh tế Mỹ: Lạm phát đình trệ

Yến Nguyễn | 15:10 29/04/2024

Một số chuyên gia cảnh báo Mỹ có thể sẽ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại và lạm phát gia tăng.

GDP giảm tốc, lạm phát neo cao làm dấy lên quan ngại mới về kinh tế Mỹ: Lạm phát đình trệ

Hai dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ công bố vào tuần trước đã gợi lại một cụm từ mà không một ngân hàng trung ương nào muốn nghe: Lạm phát đình trệ.

GDP quý 1 của Mỹ tăng trưởng với tốc độ 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với các quý trước và kém xa mức kỳ vọng 2,5%.

Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, tăng 2,8% trong tháng 3, vượt mức dự báo 2,7%.

Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng của LPL Financial, nói với Business Insider: “Tôi nghĩ các nhà đầu tư cần bắt đầu chuẩn bị đối mặt với các cuộc tranh luận về lạm phát đình trệ. Nếu điều này xảy ra, đây không phải là cảnh tượng đáng hoan nghênh đối với thị trường”.

Bài học có thể được rút ra từ những năm 1970. Trong giai đoạn đó, chu kỳ tăng trưởng thấp và lạm phát hai con số chỉ kết thúc sau khi Fed đẩy lãi suất lên cao ngất ngưởng, khiến Mỹ rơi vào suy thoái. Khi các vấn đề lần đầu tiên xuất hiện, biến động đã khiến thị trường chứng khoán sụt giảm.

Để chắc chắn, Roach và các nhà phân tích khác muốn thêm nhiều dữ liệu hơn trước khi đưa ra nhận định về khả năng xảy ra lạm phát đình trệ.

Mike Reynolds, phó chủ tịch chiến lược đầu tư tại Glenmede, nói với BI: “Tất cả phụ thuộc vào chỉ số lạm phát và xem chúng có buộc Fed tiếp tục giữ lãi suất cao hay không”.

“Một số quan chức Fed đưa ra gợi ý rằng có thể sẽ có thêm đợt tăng lãi suất. Tuy đây không phải là đồng thuận chung trong các quan chức Fed, nhưng nó là một dấu hiệu cho thấy tình hình mà chúng ta đang gặp phải”, Reynolds nói.

Giám đốc điều hành Jamie Dimon của JPMorgan đã cảnh báo về tình trạng lạm phát đình trệ, cho rằng thị trường không nên quá yên tâm với nền kinh tế hiện tại. Tỷ phú ngân hàng Phố Wall cảnh báo suy thoái có thể xảy ra trong 2 năm tới trong bối cảnh lạm phát gia tăng.

Trong trường hợp chính sách tiền tệ buộc phải duy trì ở mức cao hơn trong năm nay, cả Roach và Reynolds đều nhận định rằng hậu quả của việc này có tới ngay sau năm 2025.

Theo Reynold, hậu quả có thể chưa đến trong năm nay bởi việc tăng cường tài chính liên quan đến bầu cử, mặc dù điều này sẽ chỉ làm tăng thêm lạm phát.

Trong khi đó, sang năm 2025 và 2026, cả chính phủ và doanh nghiệp sẽ lâm vào cảnh nợ nần. Nếu lãi suất vẫn ở mức cao, lạm phát đình trệ càng có nguy cơ cao xảy ra.

Theo BI

Bài liên quan

(0) Bình luận
GDP giảm tốc, lạm phát neo cao làm dấy lên quan ngại mới về kinh tế Mỹ: Lạm phát đình trệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO