Tổng công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam - Vinaincon (mã chứng khoán: VVN) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.
Theo đó, trong năm qua, Vinaincon ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.638 tỷ đồng, giảm 38% so với năm 2021. Lợi nhuận gộp chỉ gần 67 tỷ đồng, giảm 72%.
Tổng công ty cho biết nguyên nhân doanh thu thuần giảm là do doanh thu bán hàng tại một số đơn vị giảm mạnh. Tại Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn, doanh thu bán hàng giảm một nửa so với năm 2021, do tiêu thụ xi măng gặp nhiều khó khăn, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao (chủ yếu là giá than) dẫn đến chi phí biến đổi tăng đột biến. Cùng đó, Công ty ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá lại gốc ngoại tệ là 45,5 tỷ đồng, trong khi đó năm 2021 ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá là 112,7 tỷ đồng làm cho chi phí tài chính toàn Tổng công ty tăng 57 tỷ đồng và doanh thu tài chính giảm 69,7 tỷ đồng.
Tại Công ty cổ phần BTLT Thủ Đức sản lượng bán hàng giảm mạnh (giảm so với năm 2021 là 475.939 triệu đồng) nguyên nhân do thị trường sản phẩm vẫn chưa phục hồi sau dịch bệnh Covid.
Trừ đi các chi phí, Vinaincon lỗ sau thuế của công ty mẹ năm 2022 là 295 tỷ đồng, gấp 7,5 lần năm 2021. Trong đó, lỗ sau thuế của Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn là 316 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ. Nếu không bao gồm lỗ của công ty Xi măng Quang Sơn, Vinaincon lãi 21 tỷ đồng.
Vinaincon được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) thành lập năm 1998 trên cơ sở hợp nhất các đơn vị xây dựng thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (VINACHEM), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) và các công ty xây dựng chuyên ngành công nghiệp Việt Nam.
Vinaincon luôn được xem là một trong những đơn vị lớn của ngành xây dựng Việt Nam và Bộ Công thương vẫn là cổ đông lớn sở hữu 82,75% cổ phần. Vinaincon hiện là nhà Tổng thầu EPC, nhà thầu chìa khóa trao tay nhiều công trình công nghiệp có quy mô vừa và lớn, công trình trọng điểm quốc gia của ngành Công Thương.
Vào đầu những năm 2000, Vinaincon làm chủ đầu tư Dự án xi măng Thái Nguyên có tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng với công suất 1,5 triệu tấn xi măng/năm. Năm 2003, dự án được khởi công, nhưng đến cuối năm 2009, mới được khánh thành, đưa vào chạy thử. Cũng như nhiều doanh nghiệp xi măng được các tổng công ty của ngành xây dựng lập nên thời kỳ đó, Xi măng Quang Sơn càng hoạt động càng lỗ.
Trong nhiều năm nay, Vinaincon liên tục phải gánh khoản lỗ lên đến vài trăm tỷ mỗi năm của Xi măng Quang Sơn dẫn đến Tổng công ty cũng lâm vào thua lỗ. Từ năm 2011 đến nay, chỉ có năm 2016, Vinaincon bất ngờ có lãi 465 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính có khoản lãi trên là vì năm 2016, Công ty Xi măng Quang Sơn đã được Chính phủ hỗ trợ và cho xoá lãi vay phát sinh tại Ngân hàng Phát triển trong thời kỳ 2011-2016 và xoá lãi quá hạn của khoản vay từ Bộ Tài chính.
Báo cáo tài chính của Vinaincon cho thấy công ty đã được giảm 508 tỷ đồng chi phí lãi vay và chi phí bảo lãnh theo phương án tái cơ cấu được phê duyệt. Khoản lãi vay được giảm này được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính năm 2016 dẫn đến việc Xi măng Quang Sơn bất ngờ có lãi 369 tỷ đồng, Vinaincon qua đó cũng có lãi sau 5 năm gánh lỗ từ Xi măng Quang Sơn.
Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, đến nay 2017, Xi măng Quang Sơn lại tiếp tục lỗ lớn. Tính đến ngày 31/12/2021, Xi măng Quang Sơn đang lỗ lũy kế gần 1.944 tỷ đồng. Còn theo báo cáo kiểm toán năm 2022, tính đến 31/12/2022, Vinaincon đang lỗ lũy kế 1.986 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.152 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Vinaincon thời điểm cuối năm lên đến 5.985 tỷ đồng, trong đó nợ vay khoảng 4.136 tỷ đồng.
Năm 2018, Công ty Xi măng Quang Sơn từng được đề nghị chuyển giao lại cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) để quản lý, tái cơ cấu, nhưng bất thành.