Danh sách dự kiến tên gọi các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị - hành chính (tỉnh lỵ) của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (Kèm theo Nghị quyết số 60-NQ/TW) vừa được ban hành, trong đó, hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Hòa Bình; lấy tên là tỉnh Phú Thọ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Phú Thọ hiện nay.
Tỉnh uỷ Phú Thọ cũng đã ban hành giấy mời Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình tham dự cuộc họp thống nhất triển khai kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Trước đó, năm 1996, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX đã ra nghị quyết chia tỉnh Vĩnh Phú, tái lập nên tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Sau gần 30 năm, cả hai tỉnh hiện nay đều đang có sự phát triển mạnh về công nghiệp và lại chuẩn bị “về chung một nhà”.
.jpg)
Về Phú Thọ, tỉnh có tổng diện tích tự nhiên 3.534,6 km2, dân số khoảng hơn 1,53 triệu người, với 13 đơn vị hành chính cấp huyện, với trung tâm kinh tế, chính trị đặt tại Thành phố Việt Trì.
Năm 2024, mức tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 9.53% - cao nhất 15 năm qua, nằm trong nhóm 10/63 địa phương có tốc độ tăng cao của cả nước.
Quy mô kinh tế của tỉnh đạt trên 109,2 nghìn tỉ đồng, tăng trên 11 nghìn tỉ đồng so với năm 2023, đứng thứ 35 cả nước, đứng thứ 3 vùng vùng trung du và miền núi phía Bắc. GRDP bình quân đầu người của Phú Thọ đạt 70,7 triệu đồng/người/năm.
Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng cao 16,4%; chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng tăng 42,1%, nằm trong nhóm cao nhất cả nước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 30,25 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 15,4 tỉ USD (tăng 45,5%), tiếp tục nằm trong nhóm 10 địa phương có đóng góp cao trong xuất nhập khẩu của cả nước.
Chỉ trong vòng từ năm 2020 đến cuối năm 2024, Phú Thọ đã thu hút được hơn 500 dự án DDI với tổng vốn đăng ký 54.000 tỷ đồng, 90 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ USD.
Trong năm 2024, Phú Thọ cũng đa thu hút thành công 32 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký hơn 270 triệu USD.
Trong 3 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh thu hút mới 7 dự án trong nước, vốn đăng ký 295,5 tỷ đồng; 5 dự án vốn FDI, vốn đăng ký 7,86 triệu USD.
Theo như báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của Phú Thọ trong hai tháng đầu năm 2025 đạt mức tăng trưởng ấn tượng 47,3% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất cả nước. Đây được đánh giá là con số nổi bật đáng chú ý khi công nghiệp cả nước đang tiếp đà phục hồi với mức tăng chung 7,2%, cao hơn mức tăng 6,5% của cùng kỳ năm 2024.
Nhờ quỹ đất lớn, giao thông cải thiện, chi phí hợp lý và chính sách mở cửa, Phú Thọ được kỳ vọng sẽ tăng tốc mạnh trong thập kỷ tới, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng và điện tử.
16/20 dự án đầu tư công trung hạn hoàn thành và cơ bản hoàn thành trước thời hạn 1 năm; một số dự án trọng điểm hoàn thành (đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, tuyến chính đường liên vùng kết đường HCM với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C đi tỉnh Yên Bái; sân Golf Văn Lang Empire...) đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điểm nhấn, điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch.


Văn hóa thể thao du lịch cũng là tiềm năng phát triển của tỉnh này. Năm 2024, Phú Thọ có thêm 02 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Chèo ở Phú Thọ, Nghề dệt thổ cẩm của người Mường huyện Tân Sơn).