Gần 13.000 cuộc gọi phản ánh của người tiêu dùng trong năm 2021

Linh Khang | 00:18 18/02/2022

Năm 2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công thương đã ghi nhận gần 13.000 cuộc gọi với người tiêu dùng trên đa dạng các lĩnh vực, tăng 17,6% so với năm 2020.

Gần 13.000 cuộc gọi phản ánh của người tiêu dùng trong năm 2021
Phân bổ tỷ lệ các yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng theo loại hành vi năm 2021.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vừa công bố Báo cáo tổng hợp Kết qủa tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ và giải quyết các yêu cầy, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng năm 2021.

Theo Báo cáo, năm 2021, Cục Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ghi nhận gần 13.000 cuộc gọi với người tiêu dùng trên đa dạng các lĩnh vực, tăng 17,6% so với năm 2020.

Trong đó, Cục đã tiếp nhận, tư vấn và hỗ trợ giải quyết cho gần 2.600 trường hợp thông qua gọi điện và gửi đơn, thư phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng; với gần 1.300 vụ việc (chiếm khoảng 50% tổng vụ việc mà Cục đã tư vấn, hỗ trợ) được giải quyết qua đơn, thư phản ánh, yêu cầu hỗ trợ của người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giảm khoảng 12% so với năm 2020, nhưng tăng 122% so với năm 2019 và 185% so với năm 2018.

untitled-15-.png
Số lượng đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của người tiêu dùng gửi đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng giai đoạn 2018-2021

Các phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thường tập trung vào các nhóm hành vi như Giao kết hợp đồng /Thực hiện hợp đồng giao kết, cam kết với người tiêu dùng; Số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng; Bảo hành; Bảo vệ thông tin người tiêu dùng; Cung cấp thông tin; Quấy rối người tiêu dùng và nhóm Hành vi khác hoặc nội dung tư vấn khác.

Trong đó, 3 nhóm hành vi là Thực hiện hợp đồng giao kết, cam kết với người tiêu dùng; Số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng và Bảo hành sản phẩm có tổng số lượng phản ánh hoặc yêu cầu được tư vấn chiếm hơn 50% tổng số vụ việc năm 2021.

Ngoài ra, nhóm “Hành vi khác/ tư vấn khác” chiếm tỷ lệ 40%, khi xem xét về nội dung thì thấy rằng có rất nhiều phản ánh của người tiêu dùng cho rằng mình bị lừa đảo, lừa dối, hoặc người bán đã bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hoặc ép buộc người tiêu dùng, hoặc việc người tiêu dùng đang nhận được các cuộc gọi, những lời mời chào có dấu hiệu lừa đảo về các chương trình trúng thưởng, quay số may mắn, tri ân khách hàng,…

Cũng theo Báo cáo, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên cấu trúc các phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng năm 2021 phân theo lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ có sự thay đổi đáng kể so với thời gian trước đại dịch, với sự gia tăng mạnh về số lượng yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các lĩnh vực Hàng không; Đồ điện tử gia dụng; Hàng hóa tiêu dùng thường ngày; Điện thoại, viễn thông; Thương mại điện tử; Tài chính, bảo hiểm, ngân hàng; Dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển (đặc biệt là lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng đường hàng không); Tín dụng tiêu dùng; Bất động sản, Nhà ở; Y tế, Chăm sóc sức khỏe,….

Trong đó, có sự gia tăng đột biến về các khiếu nại của người tiêu dùng đối với các lĩnh vực như Thương mại điện tử; Hàng không và Dịch vụ Vận tải, Phương tiện vận chuyển, bởi đây là những nhóm mặt hàng chịu sự ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19 cũng như sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi, thói quen tiêu dùng của người dân.

Cụ thể, một số vấn đề nổi cộm mà người tiêu dùng thường phản ánh, yêu cầu sự giúp đỡ hoặc khiếu nại tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trong năm 2021:

Lĩnh vực hàng không và phương tiện vận tải, dịch vụ vận chuyển: Vấn đề các hãng hàng không, đại lý bán vé chậm hoàn tiền cho người tiêu dùng trong thời hạn đã cam kết khi tiến hành hủy vé máy bay do ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội hoặc hạn chế đi lại do dịch Covid 19; hay vấn đề người người tiêu dùng khiếu nại trách nhiệm bảo hành của doanh nghiệp khi xe ô tô, phương tiện đi lại không đảm bảo chất lượng như đã cam kết.

Lĩnh vực tín dụng tiêu dùng: Một số tổ chức cho vay tiêu dùng hoặc tổ chức đòi nợ thường xuyên gọi điện vào các số điện thoại tham chiếu do người tiêu dùng cung cấp khi ký kết hợp đồng vay tiêu dùng, gây ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt, cuộc sống của chủ thuê bao số điện thoại.

untitled-17-.png
Số lượng vụ việc tiếp nhận phân theo nhóm hàng hóa, dịch vụ năm 2021 

Lĩnh vực thương mại điện tử, mua hàng trên mạng: Mua hàng thông qua phương thức thương mại điện tử cũng đã trở nên thông dụng, gia tăng nhiều hơn hơn trong bối cảnh đại dịch Covid 19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà thời gian qua số lượng người tiêu dùng khiếu nại về chất lượng, thời gian giao hàng khi mua hàng trên các sàn, website thương mại điện tử, đặc biệt trên các trang mạng xã hội như facebook, … đã tăng lên nhanh chóng. Nhiều trường hợp người tiêu dùng phản ánh rằng một số đối tượng bán hàng có dấu hiệu lừa đảo, gian dối với người tiêu dùng khi người tiêu dùng đặt mua hàng trên mạng xã hội, các website chưa được thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương. Nhiều trường hợp người tiêu dùng đã bị lừa đảo, mất tiền mua hàng, khi làm theo yêu cầu của một số đối tượng quảng cáo các chương trình trúng thưởng, may mắn, hay mời chào mua hàng qua điện thoại, tin nhắn.

Lĩnh vực viễn thông: Người tiêu dùng có các phản ánh và khiếu nại về việc một số doanh nghiệp viễn thông không tạo điều kiện để người tiêu dùng được chuyển mạng giữ số. Người tiêu dùng cũng khiếu nại việc các doanh nghiệp tự động cài đặt các gói cước mà không có sự đồng ý của chủ thuê bao (cước để lại tin nhắn thoại, cước data, …). Nhiều người tiêu dùng đã phải mất tiền oan vì đã không biết hoặc không để ý để hủy các chế độ tự động cái đặt cước của nhà cung cấp dịch vụ…

untitled-18-.png
So sánh số lượng các vụ việc được yêu cầu hỗ trợ phân theo khu vực địa lý sinh sống của người tiêu dùng 2021

Về địa bàn nhiều phản ánh thì Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng, chiếm tổng cộng trên 50% toàn quốc. Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 34,76%; Hà Nội chiếm 22,45%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Gần 13.000 cuộc gọi phản ánh của người tiêu dùng trong năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO