Bộ Công thương đang đưa ra lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó có một số điểm mới về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung…
Theo đó, dự thảo Luật hiện có một số nội dung sửa đổi, bổ sung so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành (2010) như: khái niệm người tiêu dùng, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, quyền của người tiêu dùng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung…
Liên quan đến quy định về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Theo Khoản 1 Điều 19 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa đưa ra định nghĩa hay các tiêu chí, nguyên tắc để xác định hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Nhằm tạo cơ sở thuận lợi và thống nhất để Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục này, Dự thảo đã bổ sung định nghĩa hàng hóa, dịch vụ thiết yếu: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là hàng hóa, dịch vụ có số lượng lớn người tiêu dùng mua, sử dụng thường xuyên, liên tục, có tác động trực tiếp, lâu dài tới người tiêu dùng”.
Về hành vi cấm liên quan đến việc quy định các điều khoản không có hiệu lực trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Theo Khoản 1 Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực trong các trường hợp sau đây” và liệt kê chín (9) trường hợp được xác định là không có hiệu lực.
Tuy nhiên, theo Điều 122 và Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015, xét mặt nội dung, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội mới vô hiệu. Do đó để thống nhất với Bộ luật Dân sự 2015, dự thảo đã bổ sung việc “quy định các điều khoản không có hiệu lực quy định tại Điều 24 của Luật này trong các hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung” là một trong các hành vi bị cấm.
Việc bổ sung này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tuyên bố vô hiệu theo cơ chế tố tụng dân sự đối với các trường hợp được Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 16 Luật 2010, nay là Điều 24 Dự thảo Luật sửa đổi) xác định là không có hiệu lực.
Theo Ban soạn thảo, hiện nay, trong một số lĩnh vực, chẳng hạn mua bán bất động sản, mua bán điện, viễn thông, ngân hàng…, Nhà nước ban hành mẫu hoặc các yêu cầu cơ bản về nội dung của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng… Nhưng các quy định tương tự không được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 cũng như pháp luật chuyên ngành điều chỉnh các lĩnh vực khác.
Nhằm cụ thể hóa các nội dung cần thiết phải được quy định cụ thể trong hợp đồng mẫu, giúp doanh nghiệp có cơ sở pháp lý khi xây dựng hợp đồng, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn và đáp ứng yêu cầu đặt ra của thực tiễn thực thi pháp luật, Dự thảo đã bổ sung các nội dung cơ bản phải có trong hợp đồng theo mẫu.
Cũng theo Ban soạn thảo, Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định 9 trường hợp điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực. Tuy nhiên, trên thực tế, các trường hợp này không thể bao quát hết các trường hợp không công bằng giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng trên thị trường.
Để giải quyết vấn đề này, Dự thảo đã bổ sung một điều khoản mang tính nguyên tắc về hiệu lực của điều khoản hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung như sau: “Điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực nếu trái với yêu cầu về thiện chí, gây ra sự mất cân bằng đáng kể về quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng của các bên và gây bất lợi cho người tiêu dùng”.
Bên cạnh đó, Dự thảo bổ sung 4 trường hợp không có hiệu lực khác như: Quy định về chế tài theo hướng bất lợi hơn cho người tiêu dùng do vi phạm hoặc chấm dứt hợp đồng hoặc; Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gia hạn hợp đồng đã thỏa thuận với người tiêu dùng mà không quy định trách nhiệm thông báo trước hoặc không có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn gia hạn hay chấm dứt hợp đồng…
Dự thảo còn sửa đổi một số quy định cho phù hợp với sự thay đổi linh hoạt của đời sống kinh tế, chẳng hạn trường hợp thay đổi giá hoặc thay đổi điều kiện giao dịch chung đối với trường hợp cung cấp dịch vụ liên tục.
Như trường hợp “Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đơn phương thay đổi điều kiện của hợp đồng đã thoả thuận trước với người tiêu dùng hoặc quy tắc, quy định bán hàng, cung ứng dịch vụ áp dụng đối với người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ không được thể hiện cụ thể trong hợp đồng”được sửa thành “Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương thay đổi điều kiện giao dịch chung trong khi không quy định quyền chấm dứt hợp đồng cho người tiêu dùng”.
Trường hợp “Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ” được sửa thành: “Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thay đổi giá trong quá trình cung ứng dịch vụ liên tục trong khi không quy định quyền chấm dứt hợp đồng cho người tiêu dùng”.
Ngoài ra Dự thảo còn sửa đổi một số điều khoản để điều chỉnh thống nhất giữa hợp đồng theo mẫu với điều kiện giao dịch chung, chẳng hạn các yêu cầu về hình thức, ngôn ngữ đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, đồng thời; Bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực trong việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.