Theo báo cáo tài chính quý II, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã: SAB) tiếp tục có một kỳ kinh doanh ảm đạm với doanh thu thuần sụt giảm 8% so với cùng kỳ về mức trên 8.300 tỷ đồng. Qua đó Sabeco lãi 1.210 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, các con số này vẫn cao hơn đáng kể 20-30% so với quý liền trước. Báo cáo quý I trước đó ghi nhận doanh thu chỉ hơn 6.200 tỷ và lợi nhuận sau thuế hơn 1.000 tỷ đồng, quý đầu năm luôn là mùa thấp điểm của ngành bia rượu.
Mới đạt 38% tiến độ lợi nhuận
Lãnh đạo doanh nghiệp lý giải kết quả thấp hơn cùng kỳ là do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn bởi tác động của kinh tế bất ổn, cùng với chi phí bao bì, nguyên vật liệu, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cao hơn. Báo cáo của Sabeco cũng cho thấy chi phí quản lý và chi phí bán hàng của công ty đã tăng từ 10 – 15% trong quý II vừa qua.
Cạnh tranh trên thị trường bia rượu và nước giải khát đã đẩy chi phí cho quảng cáo và khuyến mãi của Sabeco lên tới 1.221 tỷ đồng (tương đương chi 6,7 tỷ đồng để thúc đẩy bán hàng mỗi ngày), cao hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái dù doanh số sụt giảm.
Tính chung nửa đầu năm, nhà sản xuất bia lớn nhất cả nước ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm 11% xuống khoảng 14.500 tỷ đồng. Giá vốn cao và chi phí tăng mạnh đẩy lợi nhuận về mức 2.214 tỷ đồng, thấp hơn 27% so với cùng kỳ.
Kết quả này đến từ sự cạnh tranh gay gắt với các hãng bia quốc tế trên thị trường nội địa, kinh tế trong nước thiếu ổn định và tiếp tục Nghị định 100 (về cấm sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông), cùng với đó là chi phí đầu vào cũng như các chi phí hoạt động tăng cao.
Trong năm 2023, lãnh đạo Sabeco nhìn nhận thị trường bia cận cao cấp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nhưng người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển dịch sang các phân khúc thấp hơn khi thu nhập bị ảnh hưởng.
Công ty vẫn đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng 15% lên 40.272 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 5.775 tỷ đồng, nhích lên 5% so với mức lãi kỷ lục của năm 2022. Như vậy, sau nửa năm, công ty mới thực hiện được 36% tiến độ doanh số và 38% về lợi nhuận.
Lãi tiền gửi chiếm 1/4 lợi nhuận
Là một trong các doanh nghiệp dồi dào tiền mặt, Sabeco luôn duy trì lượng tiền gửi hàng chục nghìn tỷ đồng vào các ngân hàng. Trong giai đoạn hơn 1 năm vừa qua, mức lãi suất được các ngân hàng “đua nhau” nâng cao nhằm thu hút tiền gửi từ người dân và doanh nghiệp. Sabeco cũng như các doanh nghiệp dồi dào tiền mặt được hưởng lợi lớn từ chính sách lãi suất trong giai đoạn này, dù giá trị tiền gửi không thay đổi quá nhiều.
Tỷ trọng đóng góp của hoạt động tài chính trong kết quả kinh doanh của Sabeco ngày càng tăng. Doanh thu tài chính nửa đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng gấp rưỡi lên 713 tỷ đồng.
Trong đó, phần doanh thu này chủ yếu là thu nhập từ lãi tiền gửi 684 tỷ đồng, mức lợi tức cao kỷ lục của Sabeco. Chỉ riêng phần tiền lãi gửi ngân hàng này đã đóng góp gần 25% tổng lợi nhuận trước thuế cho doanh nghiệp.
Trên bảng cân đối kế toán, nhà sản xuất bia này đang có lượng tiền và tương đương tiền 3.742 tỷ đồng và lượng tiền gửi ngân hàng ngắn hạn 18.639 tỷ đồng (con số tại thời điểm đầu năm là 4.069 tỷ và 19.411 tỷ). Dù lượng tiền thanh khoản cao này thấp hơn đầu năm nhưng vẫn là khoản mục lớn nhất chiếm đến 67% tổng tài sản.
Quy mô lượng tiền gửi ngân hàng bị suy giảm nhưng lãi tiền gửi vẫn gia tăng lên mức kỷ lục, có thể hiểu điều này là do môi trường lãi suất nửa đầu năm nay cao vượt trội so với cùng kỳ đầu năm 2022, một số thời điểm các ngân hàng huy động lãi suất đến 9-12%/năm.
Hiện Sabeco vẫn là công ty bia có quy mô lớn nhất ngành với tổng tài sản đạt mức trên 33.600 tỷ đồng, chủ yếu phân bổ vào tiền gửi ngân hàng và đầu tư vào các công ty thành viên. Tổng công ty này duy trì chính sách thận trọng cao khi ít sử dụng nợ vay tài chính, với giá trị chưa đến 866 tỷ so với nguồn vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.
Trong báo cáo cập nhật ngành bia mới nhất, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá triển vọng ngắn hạn của Sabeco tiếp tục chậm lại trong 2023 khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn.
Hãng bia này cũng mua nguyên liệu vào cuối năm ngoái cho nên chi phí đầu vào bình quân ước tính dự kiến sẽ cao hơn 2022, đồng thời chi mạnh cho khuyến mãi để duy trì thị phần. Công ty có thể chuyển một phần chi phí sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá sản phẩm.