Chứng khoán SSI: Sabeco sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong quý 2

Hà My | 10:39 23/05/2023

Trong quý 1/2023, lợi nhuận Sabeco đã giảm 19% khi sức tiêu thụ yếu và cơ quan chức năng siết chặt quy định thổi nồng độ cồn. Sang quý 2/2023, SSI dự báo kết quả sẽ còn khó khăn hơn nữa bởi năm ngoái trong quý 2/2022 Sabeco báo lãi đột biến tới gần 1.800 tỷ đồng.

Chứng khoán SSI: Sabeco sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong quý 2

Công ty chứng khoán SSI vừa có báo cáo cập nhật hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sau khi tham dự cuộc họp chuyên viên phân tích do Sabeco tổ chức.

SSI cho biết, thông điệp chung từ Tổng Giám đốc Sabeco là mặc dù có một số khó khăn trong ngắn hạn do điều kiện vĩ mô không thuận lợi, công ty đã chuẩn bị tốt cho sự tăng trưởng khi nhu cầu phục hồi (dự kiến trong nửa cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024). Kế hoạch doanh thu năm 2023 trở nên khá thách thức trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài không thể kiểm soát, nhưng mục tiêu lợi nhuận sau thuế vẫn có khả năng đạt được bằng cách kiểm soát chi phí.

Do kết quả kinh doanh quý 1/2023 thấp hơn kì vọng cũng như tâm lý tiêu dùng yếu sẽ vẫn tiếp tục diễn ra trong quý tới, SSI điều chỉnh giảm 6% ước tính doanh thu năm 2023 xuống 37 nghìn tỷ đồng (tăng 4,7% so với cùng kỳ), trong khi lợi nhuận sau thuế ước tính gần như không đổi ở mức 5,8 nghìn tỷ đồng (tăng 5,2% so với cùng kỳ).

1.png

Trong ngắn hạn, SSI cho rằng quý 2 sẽ là quý bị ảnh hưởng nặng nề nhất đối với Sabeco, do lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ bởi quý 2/2022 là quý có mức nền rất cao sau khi mở cửa trở lại. Kết quả kinh doanh quý 2 kém khả quan có thể gây áp lực lên giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, kế hoạch chi trả cổ phiếu thưởng tỷ lệ 1:1 sẽ hỗ trợ tâm lý trong suốt cả năm nay (ban lãnh đạo kỳ vọng kế hoạch sẽ hoàn tất trong 6 tháng tới).

Trong quý 1/2023, Sabeco công bố doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 6,2 nghìn tỷ đồng (giảm 15% so với cùng kỳ) và 1 nghìn tỷ đồng (giảm 19% so với cùng kỳ). Doanh thu giảm do tâm lý người tiêu dùng yếu đi và việc cắt giảm chi tiêu không thiết yếu, chưa kể đến việc thực hiện nghiêm ngặt Nghị định 100 từ trước dịp Tết Nguyên đán đến nay.

Theo ban lãnh đạo, Nghị định 100 tác động đến toàn bộ các công ty trong ngành và bắt buộc thị trường phải thích ứng. Doanh thu tháng 4 có dấu hiệu phục hồi trở lại, nhưng vẫn chưa cao như kỳ vọng.

Sabeco cho biết, do lãi suất cao và sức tiêu thụ yếu nên các đại lý phân phối không nhập hàng nhiều (tồn kho ở đại lý chỉ ở mức 7 ngày so với hơn 10 ngày trước đó). Do đó, hàng tồn trong kênh thấp. Mức tồn kho nguyên vật liệu đã tăng 52% so với cùng kỳ và 18% so với quý trước do doanh thu yếu. Từ đầu năm tới nay công ty chưa tăng giá bán. Công ty có thể cân nhắc việc tăng giá bán trong các qúy tới tùy tình hình thị trường và SSI ước tính giá bán bình quân đã tăng khoảng 6% trong năm 2022.

2.png

Về thị phần, ban lãnh đạo cho biết Sabeco đã tăng được thị phần trong năm 2022, sát với mức thị phần lịch sử trong năm 2019 (dựa trên dữ liệu của Nielsen), do danh mục sản phẩm phổ thông của Sabeco được duy trì tốt (Saigon Lager đã tăng thị phần).

Trong dịp Tết Nguyên đán, Sabeco bị mất một chút thị phần (vì người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm cao cấp và cận cao cấp trong dịp Tết để dùng làm quà tặng), nhưng đến nay Sabeco đã lấy lại được thị phần, một phần do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và Sabeco bán hàng tốt hơn ở phân khúc phổ thông. Sabeco cũng ưu tiên quản lý chặt chi phí như chọn lọc quảng cáo và tổ chức các sự kiện trong năm nay một cách hợp lý hơn.

Về M&A, Sabeco đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Tây (WSB) từ 51% lên 70,55% vào cuối tháng 4. Công suất của WSB là 350 triệu lít/năm. Sabeco cũng công bố kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu của Sabeco tại nhà máy bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco – hiện là công ty liên kết của Sabeco với tỷ lệ sở hữu 22%) và công ty liên kết bao bì của Sabibeco (Sabibeco sở hữu 39% trong khi SAB sở hữu trực tiếp và gián tiếp dưới 20%).

Tổng cộng, hai công ty liên kết có sáu nhà máy bia và hai nhà máy đóng gói. Ban lãnh đạo kỳ vọng việc nâng sở hữu sẽ phát huy hiệu quả từ năm 2024 về mặt cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp và hợp nhất báo cáo tài chính. Sabibeco sở hữu một thương hiệu mạnh là ‘Sagota’, vốn được biết đến tại thị trường địa phương với cả sản phẩm không cồn (bia không cồn Sagota).

SSI ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng Sabeco sẽ tăng lần lượt 10% và 1% trong năm tới đến từ các hoạt động M&A nêu trên. Mặc dù tác động ngay lập tức đến lợi nhuận ròng là không đáng kể, nhưng SSI tin rằng các hoạt động M&A sẽ giúp Sabeco cải thiện doanh thu và tỷ suất lợi nhuận gộp trong trung hạn.

SSI cho rằng có 4 lợi thế từ M&A:

- Sabibeco sở hữu danh mục sản phẩm mạnh với thương hiệu Sagota (Sagota có nhiều sản phẩm đa dạng, bao gồm bia không cồn);

- Sabeco có thể mở rộng năng lực sản xuất, đặc biệt là dây chuyền đóng gói trong mùa cao điểm, vốn phụ thuộc nhiều vào các công ty liên kết;

- Mở rộng từ mạng lưới phân phối của Sabibeco;

- Quan trọng nhất là kiểm soát tốt hơn chất lượng bia và hiệu quả sản xuất.

Nếu thương vụ thành công, SSI cũng kỳ vọng sẽ có thêm nhiều thương vụ hợp nhất với các công ty liên kết khác của Sabeco.

Ngược lại, Sabeco cũng đối mặt với rủi ro chi phí nguyên vật liệu cao hơn dự kiến và sản lượng tiêu thụ thấp hơn dự kiến do cạnh tranh gay gắt cùng với sức tiêu thụ yếu.


(0) Bình luận
Chứng khoán SSI: Sabeco sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong quý 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO