Cứ mỗi đợt bầu cử nước Mỹ trong chục năm trở lại đây, mọi người lại nói vui với nhau, chúng ta phải tích cực lên – đi làm đi đừng lười biếng; bởi 2 ứng cử viên là Joe Biden và Donald Trump đều trên 70 tuổi còn ra tranh cử chức tổng thống.
Nói chung là ‘già gân’ ở đâu cũng không thiếu, ngay trong lĩnh vực được xem là giang sơn của người trẻ như khởi nghiệp. Nhìn sơ qua giới khởi nghiệp miền Nam, chúng ta có thể dễ dàng thấy những gương khởi nghiệp lớn tuổi như ông Nguyễn Trung Dũng – DH Foods, bà Võ Thị Lấn – Trà Tâm Lan hay ông Nguyễn Văn Khỏe – Bẫy diệt muỗi Mosla.
Mới đây, dự án Bẫy diệt muỗi Mosla của Nhà sáng lập 60 tuổi này đã đạt giải 3 cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Đồng Nai 2024; sản phẩm này cũng đã được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia. Năm nay, cuộc thi này đã có 39 dự án tham gia tranh tài và có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba.
Mặt khác, ông Nguyễn Văn Khỏe là gương mặt thân quen của giới khởi nghiệp Đồng Nai cũng như miền Nam. Sản phẩm Mosla là dự án khởi nghiệp lần 2 của ông.
Còn nhớ, vào năm 2018, ông từng mang dự án khởi nghiệp đầu tiên - Nhiệt Mặt Trời lên gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam. Trên chương trình, Shark Nguyễn Thanh Việt từng đồng ý rót vốn cho dự án này 1 triệu USD. Sau chương trình, dù cả hai đã có thiện chí tiếp xúc với nhau, song do nhiều nguyên nhân khác nhau, thương vụ này đã đổ bể.
Dù không có sự đồng hành của ‘cá mập’, dự án Nhiệt Mặt Trời của ông vẫn sống tốt – dù phát triển hơi chậm so với thông thường, bởi Covid-19 và đặc thù ngành. Theo đó, trong tương lai, ông sẽ ‘hai tay hai súng’ chứ không phải từ bỏ ‘người cũ’ Nhiệt Mặt Trời để đi với ‘người mới’ Mosla. Mặc dù 2 sản phẩm trông chẳng liên quan gì đến nhau, song vẫn nằm vùng thế mạnh của ông là kỹ thuật – chế tạo.
Nhiệt Mặt Trời: cải tiến quy trình làm bánh tráng tự động từ 25% lên 90%
Nhiệt Mặt Trời chính thức ra đời vào năm 2014, chuyên về hệ thống sấy kết hợp giữa năng lượng mặt trời và lò hơi (khi trời không nắng), phục vụ cho các SMEs hoặc hộ kinh doanh gia đình chuyên sản xuất bánh tráng, bún, miến khô.
“Hiện tại, quy mô nhân sự của chúng tôi không có quá nhiều khác biệt so với Covid-19; tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với chúng tôi không phát triển. Về nhân sự, tôi đã tìm được một vài chuyên gia giỏi trong lĩnh vực IT hoặc mua hàng, sửa chữa – bảo trì. Lúc lên Shark Tank, tôi mới làm dự án vài trăm triệu giờ là vài tỷ.
Về thị trường: Nhiệt Mặt Trời đang là nhà cung cấp số 1 ở khu vực Củ Chi – nơi chuyên làm bánh tráng, bún, miến cung cấp cho miền Nam lẫn cả nước, xuất khẩu. Hiện tại, tôi đang tập trung mở rộng thị trường lên Tây Ninh và ra cả nước trong tương lai. Còn nếu phải cho một ví dụ cụ thể hơn, thì tôi đã đổi được xe máy lên ô tô”, doanh nhân Nguyễn Văn Khỏe dí dỏm chia sẻ.
Nghỉ học từ lớp 8 song lại rất yêu thích mày mò chế tạo, khiến quá trình khởi nghiệp của ông không giống bất cứ ai ở Việt Nam.
Vì nhà có truyền thống làm bún miến khô bỏ mối, để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, ông đã sáng tạo ra hệ thống sấy có thể chạy bằng điện mặt trời cho gia đình sử dụng. Năm 2011, ông tìm ra nguyên lý sấy khô bằng nhiệt mặt trời, ‘dù khác với lý thuyết của các trường đại học, nhưng hiệu quả cao hơn’. Tới 2014, ông mới tạo ra được hệ thống móc có thể phát huy được nguyên lý sấy khô này ở quy mô công nghiệp, một cách hiệu quả nhất.
Lúc lên gọi vốn trên chương trình Shark Tank Việt Nam, thì Nhiệt Mặt Trời vẫn chủ yếu đảm nhận dây chuyền sấy và thường cộng tác với một bên làm sản xuất. Nhưng sau khi vô tình biết được, người cộng tác đó đã nhận một dự án và đảm nhận luôn phần sấy, thì ông biết là mình cần thay đổi.
“Trước đây, tôi thường nghĩ là ai giỏi cái gì thì làm cái đó và làm ăn phải có chữ tín – lâu dài. Nhưng sau này tôi mới dần nhận ra không phải ai cũng như mình. Trong lúc vô tình, tôi biết đối tác làm phần sản xuất đã ra ngoài nhận 1 dự án và làm luôn phần sấy, gần như copy lại mô hình của Nhiệt Mặt Trời. Tuy nhiên, cuối cùng người đó đã không thể khiến phần sấy chạy tốt như của chúng tôi và nhà đầu tư thì ‘tiến thoái lưỡng nan’, vì đã đổ ra rất nhiều tiền.
Đối tác đó không biết rằng, để có được công nghệ như ngày hôm nay, Nhiệt Mặt Trời đã bỏ ra rất nhiều công sức – từ phần cứng đến phần mềm. Nên cuối cùng, họ chỉ copy được ‘phần xác’ mà không phải ‘phần hồn’. Sau câu chuyện này, chúng tôi đã mày mò nghiên cứu để có thể tự đảm nhận thêm phần sản xuất. Việc đảm nhận từ A tới Z một dây chuyên sản xuất sẽ giúp chúng tôi thuận lợi hơn khi đi bán hàng và để người khác không lợi dụng mình khiến khách hàng hiểu nhầm.
Vậy nên, hồi xưa mỗi dự án của Nhiệt Mặt Trời chỉ vài trăm triệu, nay đã lên vài tỷ. Ngoài ra, dây chuyền sản xuất từ tự động hóa 25% lên 90%, phần đưa nguyên liệu vào và đưa sản phẩm ra khỏi dây chuyền vẫn cần con người. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu để có thể tiến tới tự động hóa 100% trong tương lai - có thể là bằng robot ở 2 đầu.
Nếu xét toàn diện ở thị trường này trong khu vực Đông Nam Bộ, chưa có dây chuyền nào mà tỷ lệ tự động hóa và hiệu suất sản xuất, khả năng tiết giảm năng lượng lại cao như Nhiệt Mặt Trời”, ông Nguyễn Văn Khỏe tự tin giới thiệu.
Theo ông, dù đây là thị trường ngách và khá đặc thù, nhưng không thiếu cạnh tranh. Do mức độ đầu tư lớn, nên các chủ đầu tư rất thận trọng khi tìm nhà thầu và ngay cả nếu kết quả không như họ mong đợi hoặc không như nhà thầu cam kết, hầu hết mọi người đều không dám bỏ. Bên cạnh đó, các SMEs và hộ kinh doanh gia đình chỉ tin khi thấy được kết quả, vì họ không có quá nhiều kiến thức trong lĩnh vực này.
“Ngành này khá bé nhưng cũng đủ bi hài kịch. Ví dụ: có lần tôi đến vùng mới để kinh doanh thì may mắn có người chấp nhận để tôi xây hệ thống sản xuất – sấy bún cho họ. Vì tôi cần một gương thành công để dễ bán hàng hơn sau này, nên tôi chấp nhận để họ ‘độc quyền’ công nghệ trong 2 năm – tức là trong 2 năm tôi không được lắp hệ thống tương tự trong khu vực đó.
Tuy nhiên, sau này tôi mới biết, mặc dù họ rất hài lòng với hệ thống sản xuất của Nhiệt Mặt Trời, nhưng gặp ai tới hỏi họ cũng chê là ‘không ổn, công suất thấp, tiêu thụ nhiệt năng cao…’; vì sợ người ta làm theo và họ mất lợi thế cạnh tranh. ‘Vừa yêu, vừa hận’ chính là diễn tả cảm giác của tôi trong trường hợp này”, CEO Nhiệt Mặt Trời kể.
Do Covid-19 và do thiếu nguồn lực lớn, kế hoạch mở rộng kinh doanh của Nhiệt Mặt Trời cả chiều rộng lẫn chiều sâu đã không nhanh như mong đợi. Trên chương trình Shark Tank Việt Nam, ông từng chia sẻ là muốn lấn sân qua mảng sấy dược liệu nhưng chưa làm được. Cứ không phải Nhiệt Mặt Trời đã làm tốt mảng bánh tráng, bún – miến, thì DN sẽ tin là họ làm tốt cả mảng dược liệu. Như mọi khi, lúc qua mảng mới, họ cũng cần một ‘người tiên phong’.
Mosla: Sản phẩm ‘nhỏ nhưng có võ’
Nếu các sản phẩm của Nhiệt Mặt Trời trông phức tạp – đắt tiền bao nhiêu thì Mosla lại trông đơn giản – giá nhẹ bấy nhiêu. Bẫy diệt muỗi Mosla là một hộp nhựa có 3 tầng, phía dưới cùng đựng nước sạch cho muỗi vào đẻ. Nó được thiết kế theo hình khối tròn, rỗng ruột tạo thành một chum nước có nắp đậy. Trên nắp có những khe hở nhỏ để khi muỗi mẹ đến đẻ trứng thì trứng sẽ rơi xuống dưới.
“Sau khi nghiên cứu tập tính của loài muỗi – đặc biệt là loại mỗi vằn nguồn cơn của bệnh xuất huyết, tôi biết chúng thường đẻ trứng ở những chỗ nước sạch. Suy nghĩ của tôi khá đơn giản và khác biệt so với những sản phẩm diệt muỗi thông thường: tôi sẽ không tập trung giết muỗi mà tập trung giết ấu trùng muỗi – lăng quăng.
Vì trong sản phẩm Mosla có nước sạch nên muỗi sẽ đến đẻ và ấu trùng muỗi sẽ rớt xuống đáy, rồi bị nhốt lại. Sau khi muỗi mẹ hết vòng đời thì nó sẽ chết đi, nhưng không có con muỗi mới sinh ra. Mỗi nhà chỉ cần để 2 đến 3 sản phẩm Mosla và nếu cả xóm đều sử dụng sản phẩm này, thì tôi tin cả xóm đó sẽ bớt và dần hết muỗi. Tôi mong sản phẩm này có thể hỗ trợ Việt Nam mình giảm bớt bệnh sốt xuất huyết”, Nhà sáng lập tuổi 60 trình bày.
Ông bắt tay tìm giải pháp diệt muỗi từ năm 2016, sau nhiều năm nghe mãi câu chuyện dịch sốt xuất huyết đến hẹn lại lên tại Việt Nam. Năm 2017, thì ông mới thành công tạo ra công cụ diệt ấu trùng muỗi – với tỷ lệ lăng quăng phát triển thành muỗi quay trở lại môi trường bên ngoài ước chỉ 1%. Tiếp theo, ông đã nộp hồ sơ xin đăng ký bằng độc quyền sáng chế quốc gia đến Cục Sở hữu trí tuệ.
Sau khi nộp xong, vì chờ quá lâu và cũng vì quá bận rộn, ông đã quên mất câu chuyện nói trên cho tới khi nhận được giấy công nhận vào năm 2023. Năm 2024, ông được Sở Khoa học Công nghệ Đồng Nai khuyến khích đăng ký tham gia cuộc thi như đã nói đầu bài.
“Trông sản phẩm Mosla khá đơn giản, nhưng để biến một thứ trong phòng thí nghiệm thành sản phẩm đại trà công nghiệp không phải là điều dễ dàng. Tôi cũng đã phải tìm kiếm rất lâu mới ra nhà sản xuất có tâm huyết và không nề hà cộng tác với đối tác có sản phẩm đổi mới – sáng tạo như chúng tôi.
Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành thử nghiệm sản phẩm đại trà ở các khu vực nhiều muỗi tại các tỉnh thành quanh Hồ Chí Minh, thành quả bước đầu khá hứa hẹn. Theo kế hoạch, Mosla sẽ bán ra thị trường trong năm 2025 với mức giá trên dưới 100.000 đồng”, doanh nhân Nguyễn Văn Khỏe tiết lộ.
Với cái đà này, nếu năm 70 tuổi, ông thông báo rằng mình có thêm một dự án khởi nghiệp nữa, có khi mọi người sẽ không ngạc nhiên.