EU tuyên bố: “Hôm nay, đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc áp dụng thuế quan chống trợ cấp chính thức đối với xe điện chạy bằng pin (BEV) nhập khẩu từ Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ cần thiết từ các quốc gia thành viên EU”.
EU nói thêm rằng quyết định này đánh dấu một bước tiến hướng tới việc kết thúc cuộc điều tra chống trợ cấp của EC đối với xe điện Trung Quốc bắt đầu từ tháng 10 năm 2023.
EU lần đầu tiên tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế quan cao đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc là từ tháng 6. Lý do áp thuế là vì các doanh nghiệp xe điện Trung Quốc được hưởng lợi "rất nhiều từ các khoản trợ cấp không công bằng" và gây ra “mối đe doạ tổn hại kinh tế” cho các nhà sản xuất xe điện ở châu Âu.
Thuế quan tạm thời đã được áp dụng từ đầu tháng 7.
Sau đó, EC đã sửa đổi kế hoạch áp thuế vào tháng 9 dựa trên "các bình luận có căn cứ về các biện pháp tạm thời" từ các bên liên quan.
Một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc nói với các phóng viên rằng Bắc Kinh vẫn tin rằng cuộc điều tra về trợ cấp của Trung Quốc dành cho ngành công nghiệp xe điện đã đi đến "kết luận được định sẵn". Phía Trung Quốc cho rằng khối này đang thúc đẩy cạnh tranh không lành mạnh.
EU cho biết họ vẫn đang tìm kiếm các giải pháp khác, ngay cả khi các mức thuế được áp dụng.
Quyết định này được đưa ra sau nhiều tháng tranh luận và cân nhắc giữa các nước thành viên EU. Các quốc gia đã bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều về việc tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu do Trung Quốc sản xuất.
Trong khi Pháp là nước ủng hộ mạnh mẽ, Đức đã phản đối các biện pháp này. Quốc gia “anh cả” của châu Âu chỉ ra lo ngại về hậu quả đối với các nhà sản xuất ô tô đang gặp khó khăn của chính mình.
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto ngày 3/10 cho biết Hungary sẽ phủ quyết một đề xuất từ EC với mức thuế lên tới 45%.
Một số thành viên EU lo ngại về khả năng Trung Quốc trả đũa, đặc biệt là khi Trung Quốc đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn và rượu mạnh xuất khẩu từ EU, cũng như điều tra chống trợ cấp đối với các sản phẩm từ sữa của EU.
Theo CNBC