Ngày 9/9/2024 là một ngày trọng đại của Apple khi hãng ra mắt mẫu iPhone 16 mới nhất của mình với chương trình giới thiệu mang tên "Thời khắc tỏa sáng" (It’s Glowtime).
Mặc dù khách hàng phải đợi đến tháng 10/2024 mới được chứng kiến bản đầy đủ của công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) Apple Intelligence được tích hợp trên iPhone 16 nhưng nhà táo khuyết đã đặt cược rất lớn vào ứng dụng này.
Theo quảng cáo, công nghệ mới có thể xác định các món ăn trên thực đơn khi hướng camera vào đó, hoặc thực hiện những khẩu lệnh khó hơn với Siri, trợ lý ảo của iPhone.
Tất cả những điều này là nhằm vực dậy doanh số bán iPhone đang giảm tốc của hãng, sản phẩm hiện đang chiếm đến một nửa doanh thu của Apple.
Tuy nhiên, tờ The Economist cho rằng canh bạc này của Apple chưa chắc đã thành công.
Rủi ro
Trên thực tế, Apple không phải hãng điện thoại đầu tiên cố gắng tích hợp AI, thông qua điện toán đám mây để ứng dụng vào smartphone.
Đối thủ nặng ký nhất của Apple là Samsung đã đi trước khi tích hợp AI trên mẫu Galaxy S24. Thế rồi Microsoft cũng đã tích hợp Copilor+ vào hệ điều hành Windows trên máy tính nhưng đều không thành công như mong đợi.
Tờ Economist cho hay khó khăn đầu tiên là về chi phí. Ngày nay các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) để phát triển AI chủ yếu được xây dựng tại các trung tâm dữ liệu sử dụng GPU ngốn rất nhiều năng lượng, thậm chí cần đến cả một nhà máy điện hạt nhân để cung ứng điện.
Mô hình này cần lượng lớn bộ nhớ và dữ liệu ở mức khổng lồ khó có thể đo đếm được, tiêu tốn đến hàng trăm triệu USD và có thể chưa đem về lợi nhuận tương xứng mà doanh nghiệp kỳ vọng.
Ngay cả khi đã xây dựng thành công thì việc khởi chạy các mô hình này cũng rất tốn kém.
Một ước tính cho thấy OpenAI, cha đẻ ChatGPT, đã phải tốn 36 cent chi phí vận hành cho mỗi lần người dùng đặt một câu hỏi.
Để giải quyết điều này, các nhà sản xuất điện thoại đã dựa vào điện toán đám mât, theo dõi hoạt động của người dùng để chắt lọc thông tin, phản hồi nhanh hơn với chi phí rẻ hơn.
Ví dụ AI trên iPhone sẽ theo dõi hoạt động của người dùng để đưa ra chính xác phản hồi yêu cầu của khách hàng.
Mặc dù độ trễ và độ chính xác của mô hình AI kiểu này không được như kỳ vọng nhưng chúng lại phù hợp với bài toán kinh tế chi phí-lợi nhuận.
Thế nhưng tờ Economist cho rằng ngay cả như vậy, các AI vẫn sẽ phải dựa trên LLM để giải quyết các yêu cầu phức tạp từ người dùng, qua đó quay trở lại bài toán ban đầu là chi phí vận hành.
Tiếp đó, sức mạnh tính toán dựa trên công nghệ smartphone hiện nay là chưa đủ đáp ứng các yêu cầu quá khó với công nghệ AI. Ngay cả những mô hình AI đơn giản cũng cần rất nhiều nguồn lực để vận hành, qua đó tiêu thụ cạn năng lượng từ pin điện thoại.
Với Apple, hãng cho biết sẽ gửi các truy vấn phức tạp lên điện toán đám mây và chuyển hướng đến các mô hình LLM của bên thứ 3 như ChatGPT. Tuy nhiên người dùng lại lo lắng về tính bảo mật dữ liệu cũng như quyền riêng tư dù nhà táo khuyết liên tục đảm bảo.
Xin được nhắc rằng với AI, dữ liệu người dùng sẽ bị khai thác triệt để nhằm đưa ra phán đoán chính xác nhất cho các yêu cầu, từ việc bạn gọi cho ai, sống ở đâu, thói quen chi tiêu ra sao, mặt mũi khi chụp ảnh thế nào cho đến những nơi mà bạn từng checkin đều sẽ bị theo dõi.
Hiện một số công ty như Qualcomm đang phát triển NPU để thay thế GPU, qua đó tiêu tốn ít năng lượng hơn. Tuy nhiên công nghệ này cần thời gian và chắc chắn iPhone 16 chưa thể áp dụng ngay, đồng nghĩa với việc canh bạc của Apple vẫn còn nhiều biến số.
Mất giá trị
Khảo sát của Consumer Intelligence Research Partners cho thấy gần ¾ người đổi iPhone mới vì điện thoại của họ đã lỗi thời, bị mất hoặc hỏng. Trong khi đó chỉ 1/5 cho biết họ mua iPhone mới vì tính năng mới.
"Trước đây, việc tung ra các tính năng mới thú vị từng thúc đẩy lượng lớn người dùng mua điện thoại mới, nhưng chiến lược này không còn hiệu quả nữa. Giờ đây iPhone chỉ như chiếc máy sấy hay đôi giày chạy bộ khi người dùng chỉ thay nếu chúng bị hỏng", chuyên gia Josh Lowitz của Consumer Intelligence Research Partners (CIRP) cho biết.
Rõ ràng iPhone giờ đây đã không còn hấp dẫn nữa và việc Apple đặt cược vào AI để kích thích người dùng mua mới là một ván cược không chắc chắn.
Tồi tệ hơn, công nghệ AI đang là xu thế trên thị trường hiện nay nhưng người dùng vẫn nghi ngờ về khả năng đáp ứng được kỳ vọng của chúng.
Mùa xuân năm nay, Microsoft đã phải tạm hoãn các tính năng AI tích hợp trong máy tính mới được ra mắt vì lỗ hổng bảo mật xung quanh việc công nghệ này ghi chép lại các hoạt động của người dùng.
Thế rồi những hãng khởi nghiệp phát triển AI như Humane bị cộng đồng chỉ trích vì huy động đến 240 triệu USD nhưng lại cho ra một sản phẩm xử lý chậm các yêu cầu và cho kết quả không chính xác.
Theo Economist, công nghệ AI hiện nay dù có nhiều tiềm năng nhưng chưa thực sự hoàn thiện để các doanh nghiệp dựa vào như một sản phẩm chủ lực chứ đừng nói là để "Tỏa sáng" (Glowtime). Bởi vậy liệu nước đi của Apple có phải là một sai lầm?
*Nguồn: Economist