Đánh giá về gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, gói hỗ trợ này sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định trong thời gian tới. Bởi từ trước đến nay nhu cầu nhà ở xã hội luôn rất cao, đây là đối tượng chiếm số lượng lớn về nhu cầu nhà ở hiện nay. Tuy nhiên vấn đề là khi các dự án đã đủ điều kiện giải ngân, thì những người muốn mua nhà sẵn sàng bán lại rất ít.
Thực tế, để triển khai được các dự án nhà ở xã hội là vấn đề quan trọng. Hiện nay, từ khâu quy hoạch, khâu giải phóng mặt bằng… đều thực hiện như các dự án bình thường. Điều này cần sự quyết tâm, đặc biệt là của các tỉnh thành.
“Nếu không quyết liệt từ các khâu quy hoạch, giải phóng mặt bằng thì 120.000 tỷ đồng khó có cơ hội được giải ngân”, ông Nguyễn Chí Thanh nói.
Ông Thanh cũng cho rằng, thực ra với người có nhu cầu nhà ở thì việc đầu tư được vay để có cơ hội mua nhà đã là rất quý và lãi suất hơn 8% là mức thực tế. Cho vay nhà ở xã hội là cho vay dài hạn (5-10 năm), ở nước ngoài việc cho vay từ 10-20 năm rất bình thường. Việt Nam cần xác định có nguồn cho vay liên tục để mua nhà và thời hạn 5-10 năm trở lên.
“Hiện nay, ai cũng kì vọng lãi thấp hơn nhưng vấn đề quan trọng là Chính phủ và các ngân hàng phải cân đối, vẫn cần đảm bảo kinh doanh vì nếu nhà nước không có thanh khoản để bù vào lãi thì sẽ rất khó cho các ngân hàng thương mại. Tôi nghĩ quan trọng nhất là cần có thời hạn cho vay dài để có cơ hội trả cả gốc lẫn lãi”, ông Thanh nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đến hết ngày 30/6/2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm, với người mua nhà là 8,2%/năm. Với thực tế triển khai nhà ở xã hội hiện nay, chủ đầu tư hay người mua nhà e ngại vay với lãi suất trên vì các dự án hiện rất khan hiếm và hầu hết đều đang có điểm nghẽn về pháp lý, khó hy vọng trong 1 - 2 tháng tới hoàn thiện đủ điều kiện vay vốn.
Cũng kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo lãi suất cho vay tới các ngân hàng thương mại với mức ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước gồm: Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank đang áp dụng.
Như vậy với mức lãi suất thấp hơn tới 2% là một ưu đãi với chủ đầu tư, nếu cộng mức giảm từ phía người mua nhà thì tổng ưu đãi lãi suất lên đến 3 - 4% là điều kiện tốt để phát triển nhà ở xã hội, cung cấp lượng hàng cho đại đa số người dân có nhu cầu thực về nhà ở.
“Nhưng vấn đề lo ngại là để triển khai một dự án nhà ở xã hội mất rất nhiều thời gian, nhanh nhất phải mất 12 tháng, còn lâu hơn thì có thể vài năm. Lúc đó, tất nhiên mức 8,2% hay 8,7% không còn mà lãi suất sẽ tăng lên khá mạnh”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Hiện nay, lãi suất vay mua nhà của các ngân hàng thương mại bình quân 13,5% và theo quy định ưu đãi thì người mua nhà ở xã hội sẽ chịu lãi từ 11,5 - 12%. Đây không phải là mức lãi suất thấp của nhà ở xã hội nữa mà đã tiệm cận với nhà ở thương mại. Với lãi suất cho vay mua nhà thời kỳ cao điểm lên đến 14 - 15%, vay ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% thì rất ít người có đủ tiềm lực để vay.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề xuất để bài toán nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp được lưu thông thì đối với cả người mua nhà và chủ đầu tư, ngân hàng phải công bố thời hạn của gói vay vốn không chỉ là thời gian ưu đãi trong vòng 3 năm với chủ đầu tư hay 5 năm với người mua nhà. Thời gian vay áp dụng đối với người mua nhà có thể kéo dài 20 năm để người thu nhập thấp có khả năng tích góp trả nợ.
"Lãi suất cho vay gói 120.000 tỷ đồng vẫn còn cao. Có lẽ nên xem xét cách làm với gói 30.000 tỷ đồng đã áp dụng trước đây, đó là Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại với lãi suất thấp 3% để các ngân hàng cho vay với mức lãi suất 5%/năm", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị.