Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, xác định tầm quan trọng của dự án đường Vành đai 4 TP.HCM, tại Nghị quyết số 80/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh, HĐND tỉnh đã bố trí kế hoạch và nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án là 1.600 tỷ đồng (kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng), với diện tích quy hoạch là 174ha. Trong quý II/2023, tỉnh sẽ hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Tiếp theo đó, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ hoàn thành các bước thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, tổ chức lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, bàn giao mặt bằng và khởi công công trình và sẽ phấn đấu thi công hoàn thành, thông xe kỹ thuật toàn tuyến trong tháng 12/2027.
Đồng thời, đường Vành đai 4 TP.HCM sẽ kết nối vào đường Hội Bài - Phước Tân (ĐT992) đã kết nối ra cảng Cái Mép theo tuyến đường 991B đang thi công tỉnh.
Do đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục triển khai đầu tư nâng cấp đoạn tuyến ĐT992 từ điểm cuối dự án đường 991B đến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dài khoảng 9km) với quy mô từ 6-8 làn xe để kết nối đồng bộ với đường Vành Đai 4.
Được biết, Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết của Thủ tướng Chính phủ (số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011), đường Vành đai 4 TP.HCM dài 197,6km, đi qua 5 tỉnh, thành phố, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An. Điểm đầu giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), điểm cuối kết thúc tại cảng Hiệp Phước (TP.HCM).
Tuyến đường có quy mô mặt cắt ngang 6 - 8 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, có đường song hành 2 bên và các hành lang để bố trí cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật,...
Hiện nay, các địa phương có đường Vành đai 4 TP.HCM đi qua đang khẩn trương lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đối với từng đoạn tuyến được Thủ tướng Chính phủ giao.
Chia sẻ về dự án, ông Trần Thượng Chí - Giám đốc Sở GTVT Bà Ria – Vũng Tàu cho biết, với hướng tuyến kéo dài từ Long An, đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về Bà Rịa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP.HCM sẽ là tuyến giao thông kết nối quan trọng nhất của vùng Đông Nam bộ cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tất cả các địa phương phát triển công nghiệp đều phải đi qua đường Vành đai 4 TP.HCM để về cảng Cái Mép nếu xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển.
Đặc biệt, dự án tạo mạng lưới giao thông liền mạch nối qua các cao tốc, quốc lộ, sân bay, đặc biệt kết nối Khu đô thị cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.